Vụ án chủ nhà 50 tuổi chém kẻ lạ đột nhập vào nhà, bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố về hành vi Giết người có nhiều luồng ý kiến từ dư luận.
Bị can Lê Minh Phương (phường Tây Tựu) khai, do tiệm tạp hóa của gia đình từng bị trộm tiền nên khi phát hiện kẻ lạ đột nhập vào nhà đêm 23/11, ông ta bức xúc, đã cầm kiếm chém Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi). Theo kết quả giám định của cơ quan chức năng, nạn nhân bị tổn hại 61% sức khỏe.
Sau vụ việc, nhiều độc giả đặt câu hỏi băn khoăn thế nào được coi là phòng vệ chính đáng và thế nào sẽ bị khép vào hành vi giết người.
Theo trung tá Đào Trung Hiếu, nghiên cứu sinh tội phạm học (nguyên điều tra viên Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội) Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định, phòng vệ chính đáng là hành vi của người bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đề cập đến vụ án của bị can Phương, trung tá Hiếu chỉ ra cơ quan điều tra đánh giá hành vi tấn công trộm của chủ nhà không phải là hành vi phòng vệ chính đáng. Do đó, ông Phương bị khởi tố về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự.
Vị trung tá cho rằng do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan chức năng cần xét hoàn cảnh phạm tội, thực tế tình huống để truy tố phù hợp.
Trung tá Đào Trung Hiếu. Ảnh: NVCC. |
Từng hóa giải uẩn khúc của nhiều vụ án mạng, nguyên điều tra viên Đội trọng án cho rằng với hành vi đột nhập lúc nửa đêm của thiếu niên 15 tuổi, ông Phương có quyền phòng vệ, tự vệ để bảo vệ người thân.
"Trong tình huống nửa đêm có bóng đen đột nhập, quyền phòng vệ chính đáng theo Điều 15 lập tức được đặt ra ngay đối với chủ nhà, không cần phải đợi kẻ gian có hành vi tấn công mới thực hiện quyền phòng vệ", chuyên gia tội phạm học lý giải.
Vị nghiên cứu sinh nói anh ủng hộ quyền đánh phủ đầu trong mọi trường hợp bị trộm đột nhập, nhất là vào ban đêm. Bởi, hành vi đột nhập chỗ ở đã thoả mãn dấu hiệu “xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp” với mức độ nguy hiểm là “đáng kể”.
Gia chủ chỉ nơi tên trộm đột nhập vào nhà trước khi bị chém. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo trung tá Hiếu, thực tiễn luôn có sự chuyển hoá tội phạm từ trộm thành cướp nếu chủ nhà có phản ứng. Gia chủ ra tay trước là điều cần thiết để vô hiệu hóa từ trước hành vi tấn công của trộm, ngăn chặn hậu quả khó lường.
Hành vi đánh phủ đầu không phải là phòng vệ sớm bởi trộm đột nhập là mối nguy hiểm xâm phạm lợi ích chính đáng của mình. Đánh phủ đầu cũng không phải phòng vệ tưởng tượng, vì nguy cơ án mạng xảy ra đã hiện hữu.
Thực tế, nhiều vụ thảm án đã xảy ra khi chủ nhà không biết cách ứng xử, khiến kẻ đột nhập dùng hung khí tấn công, gây án mạng để che giấu nhân thân. Do đó, cơ quan điều tra cần cân nhắc trong các vụ án có yếu tố phòng vệ.
Thanh kiếm ông Phương sử dụng gây án. Ảnh: T.V. |
Trung tá Hiếu phân tích, tình huống ông Phương phát hiện trộm vào nhà lúc nửa đêm, khi đó hiện trường phủ bóng tối. Để tự vệ, gia chủ cầm hung khí tấn công. Hậu quả, nạn nhân bị thương ở nhiều nơi, trong đó có vùng trọng yếu (vùng đầu).
Trong trường hợp này, bị can không biết có bao nhiêu kẻ đột nhập, chúng có mang vũ khí hay không? Trong trạng thái bị kích động do hoảng loạn nên ông Phương đã chém phủ đầu.
"Theo tôi, hành vi đó có dấu hiệu phòng vệ, chứ không phạm tội. Nếu đánh giá nghi phạm hành động vượt quá mức cần thiết, căn cứ hậu quả, cơ quan tố tụng có thể xử lý tội Giết người (hoặc Cố ý gây thương tích) do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, trung tá Hiếu phân tích.
Ngoài ra, lực lượng điều tra cần xem xét các cơ chế, thời điểm hình thành thương tích của nạn nhân. Nếu chủ nhà chém trộm để thỏa mãn ác tính, nhằm vào đầu là bộ phận trọng yếu trên cơ thể để chém, thì có dấu hiệu của tội Giết người.
Nhưng nếu là chém loạn xạ trong điều kiện bóng tối thì hậu quả đến đâu, xử lý đến đó. Đến nay, nạn nhân không chết, cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý bị can về tội Cố ý gây thương tích.
Đêm 23/11, khi phát hiện Tùng đột nhập vào tiệm tạp hóa nhà mình ở phường Tây Tựu, ông Phương dùng thanh kiếm sắt đầu nhọn chém nhiều nhát khiến nạn nhân bị thương phải nhập viện cấp cứu. Ngày 2/12, Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố, tạm giam 4 tháng đối với Lê Minh Phương về hành vi Giết người. Chia sẻ với Zing.vn, bà Liên (vợ bị can) cho hay lúc kẻ gian đột nhập, trong nhà có nhiều phụ nữ, trẻ nhỏ. |
Bé trai bị bố và mẹ kế đánh rạn sọ não xin tha cho bố
Hai năm ở với bố và và mẹ kế bé Gia K. không còn được đi học, phải làm hết tất cả việc nhà, ăn ... |
Cự cãi vợ ngoài đường, chồng bị người can ngăn đánh chết
Trong lúc đang cự cãi với vợ ngoài đường, anh Hùng bị 1 thanh niên đánh trọng thương dẫn đến tử vong. |