Từ cô thợ may trở thành siêu lừa
Bị cáo Đỗ Thị Luận tại phiên tòa lần trước. |
Theo lịch xét xử ngày 29/12 sắp tới TAND TP HCM sẽ đưa vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do siêu lừa Đỗ Thị Luận thực hiện. Vụ án này tòa đã 6 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, Đỗ Thị Luận làm nghề kinh doanh bất động sản. Do làm ăn thua lỗ nên đã giở thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để trả nợ. Luận mua nhà, đất của mọi người bằng giấy viết tay rồi bán lại cho người khác. Lúc này, Luận cùng với chủ nhà, đất ra phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng cho người thứ ba bằng hợp đồng công chứng.
Luận đã dùng thủ đoạn phân chia diện tích đất đã chuyển nhượng hợp pháp cho người khác thành nhiều lô đất nhỏ và sử dụng bản photo có sao y giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, để bán cho nhiều người khác.
Phi vụ đầu tiên, Luận mua căn nhà của vợ chồng anh Đức, chị Thoa ở phường Hiệp Thành, quận 12 bằng giấy viết tay. Đến ngày 11/5/2011, hai bên đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất cho ông Tân với giá 2,615 tỷ đồng.
Ông Tân đã hoàn tất thủ tục nộp thuế, sau đó được UNBD quận 12 đăng bộ sang tên vào ngày 21/6/2011.
Trong thời gian ông Tân làm thủ tục trước bạ, sang tên thì Luận phân thửa đất thành nhiều lô nhỏ rồi làm “Hợp đồng mua bán nhà đất” bằng giấy tay bán cho nhiều người khác. Luận hứa sẽ sang tên cho họ nhưng Luận không thực hiện và chiếm đoạt tiền của 3 bị hại tổng cộng 2,6 tỷ đồng.
Bằng thủ đoạn này, trong thời gian từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2011, Luận đã lừa đảo chiếm đoạt 18,7 tỷ đồng của 25 người bị hại.
Là một “tay trùm” bất động sản đã lừa đảo hàng chục bị hại, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng nhưng ít ai biết rằng, sau khi học hết lớp 7, Luận đi làm công nhân dệt thảm len tại quê nhà Nam Định. Từ năm 1980 đến 1993, Luận chuyển sang làm thợ may.
Ngay sau khi nghỉ việc, Luận bắt đầu hành trình Nam tiến. Tại TP HCM, Luận tiếp tục làm thợ may cho đến năm 2004 ở phường Hiệp Thành, quận 12. Sau đó Luận hành nghề kinh doanh bất động sản, một lĩnh vực mới mẻ và hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên môn nghề nghiệp của mình.
Ngày bị cáo Luận ra trước vành móng ngựa về hành vi lừa đảo, đông đảo bị hại và những người hiếu kỳ đã đến xem chân dung thực sự của tay “cò đất” khét tiếng này.
Không ai nhận mình là bị hại
Tuy nhiên tại các phiên tòa trước đây, quá trình xét hỏi, 18 người đều cho rằng họ không phải là người bị hại trong vụ án, vì khi mua đất của bị cáo Luận họ đã thanh toán tiền, được nhận đất hoặc đã xây nhà hoàn thiện. Hiện nay, toàn bộ số nhà, đất mua từ Luận họ đang quản lý hợp pháp. Những người này cũng trình bày, tại thời điểm ra công chứng hợp đồng mua bán giữa bị cáo Luận và ông Tân, ông Khoa thì lô đất này hầu hết đã được xây dựng kết cấu 1 trệt, 2 lầu hoặc 1 trệt, 3 lầu chứ không phải là đất trống như hợp đồng mua bán có công chứng thể hiện; hơn nữa, quá trình họ ở trên đất, ông Tân, ông Khoa đều biết và không có hành vi, lời nói nào yêu cầu chấm dứt. Một số người còn khai, sau khi bị cáo Luận bị bắt, ông Tân trực tiếp liên hệ và đề nghị họ “chuộc” lại giấy chứng nhận với giá 12 triệu đồng/m2; còn ông Khoa cho người đến liên hệ, yêu cầu một số bị hại “chuộc” giấy chứng nhận với giá 200 triệu đồng, sau đó là 260 triệu đồng/khu đất.
Luận khai, mối quan hệ giữa bị cáo và ông Tân, ông Khoa là mối quan hệ vay mượn nhưng chủ nợ (ông Khoa, ông Tân - PV) yêu cầu phải làm thủ tục dưới hình thức hợp đồng mua bán. Khi bị cáo có tiền trả thì hủy bỏ hợp đồng công chứng và bị cáo sẽ sang tên cho những người mua thật sự…
Theo luật sư Trịnh Đình Dũng (người bảo vệ quyền lợi cho những người cho quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) cho biết: “đây là vụ án hình sự đã kéo dài trong nhiều năm và tòa nhiều lần trả hồ sơ, những người được xác định là bị hại trong vụ án này đã rất mệt mỏi, mong phiên tòa này sớm đi đến hồi kết. Tại phiên tòa sắp tới tôi và đồng nghiệp sẽ bảo vệ theo hướng bà Luận không phạm tội lừa đảo, giao dịch mua bán nhà đất giữa bà Luận và các hộ dân là giao dịch dân sự.