Liên quan đến việc một nữ đại gia trong giới thủy sản gửi tiền tiết kiệm ngân hàng bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM làm giả giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TPHCM) đã có những chia sẻ với Dân trí dưới góc độ pháp lý.
Tiền khi gửi vào ngân hàng thì hòa vào dòng tiền vốn của ngân hàng, ngân hàng có nghĩa vụ quản lý và bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Nếu mất mát, thất thoát thì phải bồi thường. |
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết, gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là một giao dịch dân sự đặc biệt, bởi giao dịch này không chỉ tuân thủ Bộ luật dân sự mà còn phải tuân thủ pháp luật về ngành ngân hàng.
Chủ thể tham gia giao dịch này một bên là tổ chức, cá nhân và một bên là tổ chức tín dụng (ngân hàng là một trong những hình thức). Mọi tranh chấp, dù có yếu tố hình sự hay không, người đại diện theo pháp luật của ngân hàng phải đứng ra giải quyết, thực thi các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân ngân hàng. Không một cá nhân nào có thể thay thế, kế thừa quyền và nghĩa vụ của ngân hàng.
"Nhận tiền gửi” là một trong những hoạt động ngân hàng được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. Nhận tiền gửi theo luật này là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
Theo nguyên tắc đó, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền cho dù bất cứ lý do gì, bởi người gửi tiền chỉ tin tưởng và gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải với bất cứ cá nhân nào làm việc tại ngân hàng. Tiền khi gửi vào ngân hàng thì hòa vào dòng tiền vốn của ngân hàng, ngân hàng có nghĩa vụ quản lý và bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Nếu mất mát, thất thoát thì phải bồi thường.
Về mặt lỗi, quy trình tín dụng, gửi - rút tiền tuân thủ các quy định kiểm soát khắt khe, chặt chẽ của ngân hàng nhà nước và nội bộ từng ngân hàng ban hành. Một cá nhân làm việc tại ngân hàng không thể tự mình rút tiền của khách hàng ra khỏi ngân hàng được, trừ phi khâu kiểm soát của ngân hàng đó bị tê liệt và bị vô hiệu hóa.
Quay lại vụ việc, thông tin ban đầu cho thấy, lãnh đạo chi nhánh đã dùng chứng từ giả để rút một số tiền lớn của khách trong một thời gian dài, mà ngân hàng không hề hay biết. Đủ cơ sở để khẳng định, việc để thất thoát một số tiền lớn bị chính nhân viên ngân hàng của mình chiếm đoạt thuộc trách nhiệm của ngân hàng, lỗi của ngân hàng.
Không thể đổ trách nhiệm cho nhân viên ngân hàng được, bởi về bản chất, nhân viên này lừa ngân hàng chứ không phải lừa người dân, lừa khách hàng.
Người dân thì tin tưởng ngân hàng, được bảo đảm bằng uy tín và tài sản của ngân hàng. Còn ngân hàng thì tin tưởng nhân viên và không kiểm soát và quản lý tài sản bằng quy trình. Nhân viên ngân hàng thì lợi dụng sự vô trách nhiệm của ngân hàng mới chiếm đoạt được tiền của ngân hàng.
Vì vậy lý do, chờ một bản án hình sự trong vụ việc này mới biết trách nhiệm bồi thường của ngân hàng là có hay không là không thỏa đáng. Trong vụ việc này tồn tại hai quan hệ, một là giao dịch dân sự giữa khách hàng và ngân hàng, hai là quan hệ hình sự.
Với vụ án hình sự, cần xác định ngân hàng là người bị hại, vì bị nhân viên lợi dụng khe hở để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Khách hàng chỉ biết và được bảo đảm tài sản bởi ngân hàng nên không thể chờ kết quả từ vụ án hình sự mới được giải quyết quyền lợi được.
Tóm lại, trách nhiệm bồi thường phải thuộc về ngân hàng. Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường ngay lập tức và không điều kiện đối với các khoản tiền bị thất thoát do khách hàng gửi tại ngân hàng của mình.