Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Luật sư nói về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân

Một luật sư nhận định rằng khi đã có căn cứ chứng minh sản phẩm có yếu tố lỗi, chất lượng kém gây ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng, chủ thương hiệu Pate Minh Chay phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Cục An Toàn Thực Phẩm thông báo, tính đến ngày 30/8,  9 khách hàng sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay bị ngộ độc phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị (5 bệnh nhân), Bệnh Viện Bạch Mai (2 bệnh nhân), Bệnh viện Nhiệt đới Hồ Chí Minh (2 bệnh nhân).

Kết quả kiệm nghiệm ban đầu đối với một số sản phẩm Pate Minh Chay thuộc các lô khác nhau do Công ty Lối Sống Mới sản xuất cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Clostridium Botulinum type B. Vi khuẩn Clostridium Botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu thu hồi 13 sản phẩm của Công ty Lối Sống Mới. Cơ quan chức năng chưa công bố kết luận chính thức về lí do, cách thức vi khuẩn cực độc Clostridium Botulinum type B xâm nhập vào Pate Minh Chay.

Trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất

Thạc sĩ, luật sư Nguyên Đức Hùng, phó giám đốc hãng luật TGS thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, nói rằng tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của các trường hợp ngộ độc thực phẩm mà Công ty Lối sống Mới sẽ bị xử phạt hành chính theo qui định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

Thậm chí cá nhân, tổ chức gây ngộ độc thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Ông Hùng nhận định cơ quan chức năng sẽ làm rõ những yếu tố cụ thể - như vi khuẩn có nguồn gốc từ đâu, sự tắc trách ở khâu vận chuyển, sản xuất hay từ nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm có phải là nguyên nhân tạo nên độc tố trong sản phẩm hay không.

"Khi đã có căn cứ chứng minh sản phẩm có yếu tố lỗi, chất lượng kém gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng, Lối sống Mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại", luật sư Hùng nói.

Luật sư nói về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân ngộ độc của chủ thương hiệu Pate Minh Chay  - Ảnh 1.

Luật sư Nguyên Đức Hùng, phó giám đốc hãng luật TGS thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. (Ảnh: TGS).

Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 (sửa đổi bổ sung 2018) qui định các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm gây thiệt hại sẽ phải bồi thường.

Bộ luật Dân sự 2015 liệt kê các khoản bồi thường bao gồm: chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng mất, giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế đã mất hoặc giảm sút của người chịu thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế đã mất của người chăm sóc người chịu thiệt hại trong thời gian điều trị.

Ngoài ra, bên vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở). Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

Công ty ngừng sản xuất, hỗ trợ điều trị cho các nạn nhân

Trong thông cáo báo chí hôm 31/8, ông Nguyễn Ngọc Minh, người đại diện thương hiệu Minh Chạy, khẳng định công ty đã thăm hỏi, túc trực theo sát và phối hợp cùng với y bác sĩ để điều trị tốt nhất đối với những người ngộ độc vì ăn Pate Minh Chay.

Phương án thu hồi sản phẩm chứa độc tố của Lối Sống Mới bao gồm thu hồi trực tiếp (tại địa điểm số 30 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và liên hệ với khách hàng của tin nhắn SMS, gọi điện thoại, nhắn tin qua mạng xã hội.

"Quá trình liên lạc với khách hàng vẫn đang diễn ra", thông cáo nêu rõ.

Thông cáo nói rằng, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan chức năng, công ty đã dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh và sản xuất của Minh Chay để phối hợp cùng cơ quan chức năng để điều tra làm rõ nguyên nhân cũng như tập trung tối đa nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Luật sư nói về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân ngộ độc của chủ thương hiệu Pate Minh Chay  - Ảnh 2.

Pate Minh chay của Công ty Lối Sống Mới vi khuẩn Clostridium Botulinum type B, theo kết quả kiểm nghiệm ban đầu. (Ảnh: Minh Chay).

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết các cơ quan chức năng đã yêu cầu Lối Sống Mới ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, niêm phong lô đã sản xuất ở khu vực riêng biệt. Đồng thời, cảnh báo khẩn cấp người tiêu dùng tạm thời không mua, dùng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Lối Sống Mới có địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Công ty có 13 sản phẩm, gồm Pate Minh Chay Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đưa tin ngày 30/8, UBND TP Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là các loại sản phẩm do Lối Sống Mới sản xuất.

UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo kiểm soát các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới có độc tố gây hại sức khỏe người tiêu dùng đang được bán trên địa bàn để có biện pháp xử lí, ngăn chặn kịp thời và thông báo ngay tới Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.