Nữ sinh Hà Nội bị bỏng nặng do nổ ở phòng thí nghiệm của trường
Theo chia sẻ của nữ sinh Đ.D.A (học sinh lớp 12A2, trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) thì em bị bỏng do một số ... |
Liên quan đến việc nữ sinh Đ.D.A (học sinh lớp 12A2, trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Nội) bị bỏng nặng do một số bạn học cùng lớp làm nổ chiếc đèn cồn trong giờ thực hành môn Hóa học, trưa ngày 7/2, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ban giám hiệu nhà trường để làm rõ các thông tin liên quan.
Bàn thực hành môn Hóa học trong phòng thí nghiệm Hóa - Sinh của trường, nơi xảy ra vụ nổ đèn cồn khiến nữ sinh Đ.D.A bị bỏng nặng (Ảnh: Đình Tuệ). |
Tại sao chưa xử lý dứt điểm?
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bích Loan – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) khẳng định: “Sự việc của em Đ.D.A bị bỏng sau vụ nổ một chiếc đèn cồn trong giờ thực hành môn Hóa học hôm 5/1 là một sự cố đáng tiếc và không ai mong muốn. Chúng tôi đã có báo cáo gửi lãnh đạo Sở GD&ĐT để xin ý kiến chỉ đạo và cũng bố trí người thường xuyên đến nhà thăm hỏi, hỗ trợ em D.A ghi bài vào các ngày em nghỉ học”.
Bà Nguyễn Thị Bích Loan – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng trao đổi với phóng viên (Ảnh: Đình Tuệ). |
Cũng liên quan đến câu chuyện này, tại sao sự việc xảy ra đã hơn một tháng nay, nhà trường vẫn chưa cho thành lập và họp hội đồng kỷ luật để xử lý dứt điểm?
Tại các biên bản báo cáo, trường cũng không hề đề cập tới việc cô giáo Nguyễn Thị M.A (là nhân viên phòng thí nghiệm) – người phụ trách tiết học thay cho cô giáo Phạm Hương Giang (là giáo viên dạy Hóa học hôm đó xin phép nghỉ) đã không có mặt trong suốt giờ học của các em học sinh.
Nếu em Đ.D.A không lên trang Confessions của trường viết những dòng chia sẻ này, nhà trường có vào cuộc rốt ráo để yêu cầu cô giáo M.A và 3 em học sinh nam gây ra vụ nổ viết bản kiểm điểm và quy trách nhiệm rõ ràng trong sự việc này hay không?
Văn bản mà lãnh đạo nhà trường gửi tới các cơ quan chức năng (Ảnh: Đình Tuệ). |
Giải thích về các thắc mắc trên, bà Bích Loan cho rằng: “Về quy trình xử lý kỷ luật, từng cá nhân phải viết bản tường trình, mời các bên có liên quan đến rồi mới thành lập hội đồng kỷ luật. Trong các cuộc họp liên tịch trước đây chúng tôi cũng đã có báo cáo về việc này.
Theo nguyên tắc, mọi sự việc trong vòng hai tháng, nhà trường phải đưa ra phương án giải quyết cuối cùng. Chúng tôi vẫn đang thu thập thêm các thông tin và hồ sơ liên quan để tiến hành kỷ luật các các nhân có sai phạm. Ai sai đến đâu xử lý đến đấy để góp phần làm ổn định tâm lý cho các em học sinh và cán bộ giáo viên.
Còn về phần em D.A, chúng tôi phải đợi em ấy đến trường vì theo nguyên tắc, họp hội đồng kỷ luật phải có mặt cả em D.A, các vị phụ huynh học sinh và các bên liên quan thì mới đưa ra hình thức kỷ luật được. Nếu thiếu một trong số đó thì không thể làm được”.
Khuôn viên nhà trường (Ảnh: Đình Tuệ). |
Bên cạnh đó, đại diện Ban giám hiệu nhà trường cũng cho biết thêm, việc cô giáo phụ trách lớp vắng mặt tại lớp để xảy ra sự việc đáng tiếc thế là sai. Vì nguyên tắc giáo viên phải có mặt trong cả giờ thực hành để giám sát các em học sinh.
“Hiện tại, ngoài việc động viên tinh thần thường xuyên với em D.A, nhà trường đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình em 16 triệu đồng. Còn việc họp để đưa ra hình thức kỷ luật sẽ được chúng tôi chính thức ấn định tới ngày 13/2 sẽ công bố tới các cơ quan báo chí”, bà Bích Loan thông tin thêm.
Cô giáo phụ trách lớp nói gì?
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị M.A – người phụ trách giờ thực hành lớp 12A2 sáng ngày hôm đó cho biết: “Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy rất buồn về việc này. Lúc xảy ra sự việc thì không có mặt ở trong phòng nên tôi không biết sự việc là như thế nào. Lúc ấy có một em sang phòng bên cạnh hốt hoảng gọi tôi báo có cháy ở trong phòng, tôi lập tức chạy sang phòng thí nghiệm luôn”.
Cô Nguyễn Thị M.A – người phụ trách giờ thực hành lớp 12A2 sáng ngày 5/1 thay cho cô Hương Giang (Ảnh: Đình Tuệ). |
Trước khi rời khỏi phòng thí nghiệm, cô M.A cho biết các em thực hành khá nghiêm túc và các em nữ ngồi rất ngoan ngoãn. Lúc trở lại phòng thì thấy 3 em học sinh bị bỏng, cô M.A đã cùng với nhân viên y tế của trường tiến hành sơ cứu ban đầu cho các em tại trường rồi sau đó chuyển các em vào Bệnh viện Xanh Pôn.
“Công việc chính của tôi là làm nhân viên phòng thí nghiệm chuyên phụ trách sắp xếp các dụng cụ, hóa chất cần thiết theo từng bài học mà giáo viên các lớp đăng ký từ trước. Hôm đó, vì nhận trông lớp thay cô Phạm Hương Giang nên đáng ra tôi phải sát xao có mặt trong phòng để giám sát các em làm thực hành. Lúc đó, tôi phải chạy đi chạy lại qua các phòng khác nữa nên xảy ra sự việc. Tôi đã sai và hoàn toàn chịu trách nhiệm kiểm điểm trước ban giám hiệu nhà trường”, cô M.A buồn rầu nói.
Trước đó, ngày 5/1 tại phòng thực hành môn Hóa học của trường THPT Phan Đình Phùng đã xảy ra một vụ nổ đèn cồn khiến ba học sinh bị bỏng. Sau khi thực hành xong và tiến hành dọn dẹp, có hai học sinh nam nghịch đốt mẩu giấy Phenolphtalein cho vào một chiếc cốc khô, bên trong không đựng gì. Em N.Đ.V đã cầm lọ đựng cồn (mặc dù cán bộ thực hành cất ra chỗ khác), bên trong còn khoảng 50ml và đổ vào cốc đó nên bị bắt lửa cháy vào chai nhựa, làm nổ chai nhựa dẫn tới ba học sinh đứng gần đó bị bỏng. Trong đó có các em N.Đ.V, L.N.T và Đ.D.A cùng là học sinh lớp 12A2. Lúc xảy ra sự việc không có giáo viên ở trong phòng học. Nhà trường và cán bộ y tế đã tiến hành sơ cứu và đưa các e học sinh trên vào cấp cứu ở Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn. Hai học sinh V và T đã bình phục đi học bình thường. Riêng em Đ.D.A ngày 9/1 mới ra viện và điều trị tại nhà. |