Vụ thầy giáo bị kỉ luật vì cho học sinh đóng cảnh nóng: Chưa quản lí được là cấm sẽ ngăn cản tính sáng tạo?

Chuyên viên Tâm lí - Thạc sĩ Chế Dạ Thảo cho rằng, sáng tạo trong hình thức, nội dung và phương pháp dạy học là điều luôn cần thiết đối với người giáo viên.

Mới đây, một giáo viên dạy Ngữ Văn tại Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TP HCM) bị kỉ luật khi cho học sinh sân khấu hóa 'cảnh nóng'.

Trước việc thầy giáo bị kỉ luật vì cho học sinh đóng 'cảnh nóng', chuyên viên Tâm lí - Thạc sĩ Giáo dục Chế Dạ Thảo cho rằng, sáng tạo trong hình thức, nội dung và phương pháp dạy học là điều luôn cần thiết đối với người giáo viên, đặc biệt khi xã hội đang cần những thế hệ học sinh có kĩ năng và thái độ tốt hơn.

Tuy nhiên, qua sự việc giáo viên bị kỉ luật trên, để thầy cô giáo có thể tiếp tục phát triển có hiệu quả và đúng hướng, đặt ở các góc nhìn khác nhau cần nhìn nhận và đúc rút một số điều.

Vụ thầy giáo bị kỉ luật vì cho học sinh đóng cảnh nóng: Chưa quản lí được là cấm sẽ ngăn cản tính sáng tạo? - Ảnh 1.

Chuyên viên Tâm lí - Thạc sĩ Giáo dục Chế Dạ Thảo.

Cụ thể, theo chuyên viên Tâm lí Chế Dạ Thảo: "Đối với nhà trường và ngành giáo dục, trước khi xử phạt chúng ta phải có qui định rõ ràng từ nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học dựa trên mục tiêu giáo dục và các qui chuẩn có liên quan.

Nếu kết luận là hành vi phản cảm thì biên độ của hành vi được cho phép và không cho phép là gì, cần phải được nghiên cứu và đưa ra rõ ràng hơn. Điều này vừa tạo thuận lợi cho thầy cô tham gia hoạt động giảng dạy vừa dễ tổ chức công tác quản lí.

Ngay ở hình thức kỉ luật cũng cần được nghiên cứu kĩ ở các mức độ khác nhau. Nếu như đã ban hành hướng dẫn rõ ràng qui định, vi phạm ở lần thứ nhất như thầy giáo vừa qua áp dụng hình thức kỉ luật thuyên chuyển công tác trong 12 tháng liệu có thỏa đáng hay là chưa, tất cả nên có sự định mức rõ ràng với tính chất hành vi vi phạm. Nếu cái gì chưa quản lí được là cấm hết thì vô hình chung tạo ra bức rào ngăn cản tính sáng tạo và nhiệt huyết trong công tác giảng dạy của giáo viên", bà Thảo cho biết.

Phân tích dưới góc độ người giáo viên, là người trực tiếp tổ chức hình thức dạy học, bà Thảo nhận định, ngoài việc có sự nghiên cứu và chuẩn bị chuyên môn tốt thì cần quan tâm nhiều hơn nghiệp vụ sư phạm, cụ thể là ở công tác tổ chức và kĩ năng quản lí lớp học đối với các hình thức tổ chức hay phương pháp dạy học mới.

"Trước tiên là ở việc tổ chức phải luôn có sự phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo nhà trường trong các kế hoạch dạy học từ trước khi tiến hành. Thứ hai là ở việc tổ chức cho học sinh hoạt động, ngoài hướng dẫn còn phải liên tục cố vấn, theo dõi và đòi hỏi sự phản hồi sản phẩm học tập để kịp thời định hướng và điều chỉnh cho học sinh, tránh phát sinh những tình huống và hành vi không phù hợp với lứa tuổi hoặc môi trường giáo dục", bà Thảo nói.

Vụ thầy giáo bị kỉ luật vì cho học sinh đóng cảnh nóng: Chưa quản lí được là cấm sẽ ngăn cản tính sáng tạo? - Ảnh 2.

Các em học sinh sử dụng phương pháp chiếu bóng để tái hiện các phân cảnh nhạy cảm trong các tác phẩm văn học.

Trước đó, vào tháng 10/2018, ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn tác phẩm Số đỏ, Bỉ vỏ, Quan Âm Thị Kính.

Đến tháng 1/2019, ông Quốc Đạt bị kỉ luật cảnh cáo và điều chuyển sang làm công tác văn thư trong thời gian 12 tháng.

Về vấn đề "cảnh nóng", ông Đạt thừa nhận mình cũng có sai sót khi chưa kiểm duyệt trước việc phân vai, đóng cảnh của học sinh. "Tôi sẽ rút kinh nghiệm cho bản thân về việc chưa kiểm duyệt trước các phân cảnh mà học trò đóng, chỉ duyệt qua văn bản vì học trò muốn tạo sự bất ngờ.

Trong buổi học hôm đó, tôi đã kiểm tra rất kĩ lúc học sinh tái hiện các cảnh này bằng chiếu bóng, học sinh đứng sau tấm màn và diễn tả hành động nhờ hiệu ứng. Sau tấm màn, tôi có thể khẳng định các em hoàn toàn trong sáng, không có đụng chạm xác thịt, nên quyết định kỉ luật như vậy là quá nặng với tôi", ông Đạt phân trần.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.