Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. (Ảnh: Zing.vn). |
Liên quan đến vụ "từ chối phục vụ ô tô", theo thông tin chúng tôi nhận được, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay ngày 11/2, đơn vị này đã đề nghị phía VEC kiểm tra thông tin về việc Công ty CP Dịch vụ kĩ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 ô tô.
Được biết, thông báo của VEC E nêu rõ: "Công ty VEC E thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác do các hành vi nêu trên, theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác".
Đối với vụ việc từ chối phục vụ ô tô nêu trên, Tổng cục Đường bộ yêu cầu VEC kiểm tra, rà soát các nội dung qui định của đơn vị này trong việc quản lí, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc trong đó có Quyết định số 13 đã nêu trên.
Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các nội dung qui định để phù hợp với qui định pháp luật hiện hành và báo cáo trước ngày 28/2.
Ngoài ra, VEC cũng được yêu cầu thông báo cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lí, đảm bảo giao thông ANTT trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lí, khai thác.
Trước đó, khi VEC E thông tin về việc từ chối phục vụ ô tô, nhiều chuyên gia pháp lí đã lên tiếng phản đối.
Sau đó, VEC cũng cho biết đề xuất từ chối phục vụ ô tô vĩnh viễn của VEC E là chưa đủ cơ sở pháp lí.
Giám đốc VEC E thông tin rằng việc từ chối phục vụ ô tô mới chỉ là đề xuất lên Tổng công ty. Phía VEC cũng chưa có bất kì văn bản, quyết định chính thức nào về vấn đề này.
"Về việc từ chối phục vụ ô tô, chúng tôi muốn là đơn vị tiên phong xây dựng văn hóa giao thông đặc biệt trên cao tốc", Giám đốc VEC E nói thêm.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo về doanh thu của 57 dự án BOT giao thông mới khai thác.
Cụ thể, tổng doanh thu thu phí sử dụng đường bộ năm 2019 tại 57 dự án BOT (63 trạm thu phí) là hơn 12.192 tỉ đồng, lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2018 là hơn 47.422 tỉ đồng.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ cũng cho thấy, dự án mở rộng QL51 có doanh thu lớn nhất là 730 tỉ đồng; đứng thứ 2 là dự án nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với hơn 700 tỉ đồng; đứng cuối là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới với gần 23 tỉ đồng.
Được biết, 57 dự án trên chưa bao gồm các cao tốc do VEC quản lí khai thác như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Vidifi.
VEC 'từ chối phục vụ ô tô' với mục đích gì?
VEC cho biết thời gian qua đã thực hiện từ chối phục vụ ô tô và phục vụ trở lại với mục đích trước tiên ... |
'Qui định' từ chối phục vụ ô tô trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây như thế nào?
Trên trang web của VEC E có thông tin về qui định từ chối phục vụ ô tô trên cao tốc TP HCM - Long ... |