Khu Đông và Tây Hà Nội vẫn còn nhiều quĩ đất
Đánh giá về một số khu vực vùng ven Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, phía Tây của Hà Nội theo qui hoạch là khu vực có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp, trường học, các khu dịch vụ nghỉ dưỡng với trung tâm là khu Ba Vì.
Với việc Hà Nội đề xuất xây dựng tuyến đường sắt kết nối trung tâm thành phố và khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc, thị trường bất động sản (BĐS) phía Tây có nhiều động lực phát triển trong tương lai.
Đối với khu Đông Hà Nội, BĐS đã phát triển khoảng 10 năm nay, hệ thống hạ tầng được đầu tư tốt, có sự kết nối với các địa phương phía Bắc, Đông Bắc, các tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao.
BĐS khu Đông thời gian qua xuất hiện nhiều dự án lớn như của Việt Hưng, Vingroup, Ecopark đã thu hút của nhà đầu tư. Theo ông Hà, khu Đông còn có thể bứt phá hơn nữa, là khu vực có nhiều tiềm năng trong tương lai.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế tài chính cũng nhìn nhận khả quan về BĐS vùng ven Hà Nội. Ông Thịnh cho biết, khu Tây Hà Nội trong thời gian vừa qua thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như Sun Group, HD Mon,…
Ngoài ra, quĩ đất ở khu vực này còn tương đối lớn, đủ để các nhà đầu tư có thể thiết kế những khu nghỉ dưỡng hiện đại cũng như phát triển các đô thị thông minh.
Phía Nam và Tây Nam Hà Nội trong năm qua cũng đã có nhiều khu vực BĐS tăng giá, rong đó điển hình là khu vực Ứng Hòa.
Theo các chuyên gia, mặc dù quĩ đất vùng ven Hà Nội còn nhiều, song các dự án ở khu vực này hiện chưa triển khai nhiều và chưa lấp đầy.
Do đó, nhà đầu tư cần đặt ra tiêu chí đầu tư sinh lời bền vững, xem xét nhu cầu ở thực tế rồi sau đó mới quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu dự án có phù hợp qui hoạch hay không.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, điều đầu tiên cần lưu ý khi đầu tư BĐS vẫn là các yếu tố vĩ mô, môi trường kinh doanh, xu thế phát triển,...
Tiếp đến là xem xét mức độ phản ứng tích cực với thị trường của dòng tiền hay dòng vốn đầu tư, thị trường đang ổn định hay diễn biến tiêu cực. Đồng thời cần so sánh mức độ rủi ro của các kênh đầu tư khác.
Nhà đầu tư cũng cần nhìn lại các tiêu chí đánh giá dự án như chủ đầu tư, pháp lí, vị trí, qui hoạch, cơ sở hạ tầng sau đó mới xem xét giá trị phù hợp, tiềm năng tăng giá, năng lực tài chính cá nhân cũng như khả năng quản lí tài sản.
Cuối cùng, cần tính toán phương án dự phòng khi thị trường biến động để đảm bảo an toàn tài chính trong tương lai.