Trong bức thư gửi cổ đông dài 14 trang công bố hôm 27/2, Warren Buffett chỉ nhắc đến đại dịch COVID-19 đúng một lần: Ở trang 9, ông cho biết công ty con trong mảng bán lẻ nội thất của Berkshire Hathaway là Nebraska Furniture Mart đã phải tạm đóng một số cửa hàng trong 6 tuần để phòng dịch.
Tương tự, Buffett cũng tránh đề cập đến các vấn đề chính trị như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây tranh cãi kịch liệt, bạo loạn đổ máu ở Điện Capitol và cũng không đả động tới vấn đề chủng tộc và bình đẳng xã hội mặc dù biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ trong năm ngoái.
Vị Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway còn tránh đi sâu vào vấn đề tìm kiếm các thương vụ sáp nhập lớn để sử dụng khối tiền mặt khổng lồ 138 tỷ USD – một chủ đề vẫn thường được bàn bạc kỹ trong thư gửi cổ đông các năm trước. Câu chuyện người thừa kế cho hai nhà lãnh đạo ngoài 90 tuổi – Buffett và cộng sự Charlie Munger – cũng không được làm sáng tỏ hơn trong bức thư.
Bloomberg dẫn lời bà Cathy Seifert – Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường CFRA Research nhận xét: "Warren Buffett là người rất được kính trọng, ý kiến của ông được nhiều người theo dõi, Berkshire quản lý những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, công ty con trong ngành bảo hiểm chịu tác động sâu sắc bởi tình trạng Trái Đất nóng lên và xu hướng tăng chi phí bảo hiểm. Vậy nhưng ông không hề đả động tới đại dịch. Thật sự kỳ lạ. Ông thể hiện sự bàng quan và tôi thấy rất thất vọng".
Đầu năm 2020, Buffett đã được hỏi về việc COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc. Sau đó, đại dịch này lan rộng và hoành hành tại Mỹ cũng như toàn cầu, khiến cho các thị trường cổ phiếu cắm đầu lao dốc trong tháng 3 và 4.
Buffett từng khuyên nhà đầu tư nên tham lam khi người khác sợ hãi nhưng năm ngoái, có vẻ ông đã làm ngược lại lời của chính mình khi quyết định bán sạch cổ phiếu hàng không đúng lúc thị trường xuống đáy. Trong những tháng sau đó, cổ phiếu hàng không nói riêng và thị trường nói chung đã đi lên đáng kể.
Kể từ sau đại hội cổ đông đầu tháng 5/2020, Warren Buffett tỏ ra im hơi lặng tiếng lạ thường giữa hàng loạt biến cố xảy ra với nước Mỹ. Lá thư gửi cổ đông hàng năm được kỳ vọng là cơ hội để giúp các nhà đầu tư hiểu thêm về đánh giá của ông về các vấn đề bao trùm cũng như xu hướng trên thị trường và chi tiết hoạt động kinh doanh của Berkshire.
Trước khi bức thư năm nay được công bố, ông Jim Shanahan – Chuyên gia phân tích tại công ty dịch vụ đầu tư Edward D. Jones & Co. từng kỳ vọng Buffett sẽ giúp người hâm mộ hiểu hơn về sự trỗi dậy của các công ty thâu tóm với mục đích đặc biệt (SPAC), về bán khống, về vụ hỗn chiến GameStop và mạng xã hội Reddit, lạm phát, kích thích tài khóa, giá cổ phiếu Berkshire thua kém thị trường chung …
Chỉ vài ngày trước, Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway và cộng sự của Buffett là Charlie Munger đã lên tiếng mạnh mẽ về làn sóng đầu cơ cổ phiếu kiểu GameStop, cảnh báo nhà đầu tư về bong bóng thị trường, chê bai cả Tesla lẫn Bitcoin, …
Tuy nhiên, Warren Buffett lại phớt lờ tất cả những điểm nóng trên.
Ông Jim Shanahan cho rằng vị Chủ tịch của Berkshire đã chọn phương án an toàn khi viết thư gửi cổ đông năm nay vì nhiều chủ đề - chẳng hạn như đại dịch, tài khóa – có dính dáng đến các yếu tố chính trị gây tranh cãi gay gắt.
"Đã có rất nhiều lời bình luận về đại dịch và tác động tới doanh nghiệp. Việc Warren Buffett không nhắc tới đại dịch trong bức thư, theo tôi, chỉ là một cách để tránh đưa ra một nhận định có thể bị coi là tuyên bố chính trị. Trong những năm gần đây, Buffett ngày càng ít nói về chính trị", Bloomberg dẫn lời ông Shanahan nói thêm.
Buffett còn im lặng về cả những chủ đề cốt yếu với tập đoàn của ông, chẳng hạn như môi trường kinh doanh trong một năm biến động, cũng như hiệu quả làm việc của các cấp phó trong lĩnh vực đầu tư như Todd Combs và Ted Weschler.
Ông Cole Smead – Quản lý danh mục tại Smead Capital Management nhận xét: "Tôi nghĩ bức thư năm nay đáng chú ý bởi những thứ nó bỏ sót hơn là những thứ mà nó đề cập".
Theo Bloomberg, dưới đây là những nét chính trong bức thư gửi cổ đông của Buffett và báo cáo thường niên của Berkshire:
Năm 2020, Berkshire chi kỷ lục 24,7 tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ khi Buffett không tìm được cơ hội tốt để đầu tư khối tiền mặt khổng lồ.
Vị Chủ tịch 90 tuổi còn cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, Berkshire vẫn tiếp tục gom cổ phiếu quỹ và chưa có ý định dừng lại.
"Việc chúng tôi mua cổ phiếu quỹ giúp làm tăng sở hữu của quý vị trong Berkshire thêm 5,2% mặc dù quý vị chẳng cần làm bất cứ việc gì", Warren Buffett nói, đồng thời chỉ ra rằng tập đoàn của ông "không thực hiện thương vụ lớn nào" trong năm 2020.
Quyết định mua cổ phiếu quỹ cũng như gom thêm cổ phần trong tập đoàn dầu khí Chevron, hãng viễn thông Verizon, … khiến cho khối tiền mặt của Berkshire giảm 5% trong quý IV, nhưng con số còn lại vẫn rất khủng: 138,3 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, các mảng kinh doanh của Berkshire tạo ra quá nhiều tiền mặt tới mức Buffett không biết phải làm gì.
Khoản đầu tư trị giá 120 tỷ USD của Berkshire vào Apple đã trở nên quan trọng đến mức Buffett xếp nó vào cùng nhóm với đế chế đường sắt BNSF mà ông xây dựng trong một thập kỷ qua.
Berkshire bắt đầu mua cổ phiếu "táo khuyết" từ năm 2016, tổng giá vốn bỏ ra chỉ là 31,1 tỷ USD. Giá cổ phiếu Apple tăng phi mã đã giúp khoản đầu tư này lọt top 3 tài sản đáng giá nhất của Berkshire, ngang hàng với mảng kinh doanh bảo hiểm và đường sắt. Berkshire hoàn tất mua lại BNSF vào năm 2010.
Ông James Armstrong – Giám đốc công ty quản lý quỹ Henry H. Armstrong Associates nhận định: "Xét theo nhiều khía cạnh thì Apple chính là kiểu doanh nghiệp mà Buffett thích. Apple có thương hiệu, tầm ảnh hưởng toàn cầu và sản phẩm có tính gây nghiện cực cao".
Trong nhiều thập kỷ, Warren Buffett luôn tránh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ với lý do là ông không hiểu các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, các trợ lý ngày càng được ông tín nhiệm là Todd Combs và Ted Weschler đã đưa Berkshire đi sâu vào nhóm Big Tech. Bản thân Buffett cũng nhận thấy rằng Apple giống một công ty bán lẻ hơn một tập đoàn công nghệ, và bán lẻ là lĩnh vực mà ông cực kỳ am hiểu.
Ngoài nhà sản xuất iPhone, Berkshire còn mua lượng lớn cổ phần trong đại gia thương mại điện tử Amazon, công ty điện toán đám mây Snowflake và hãng viễn thông Verizon.
Warren Buffett thừa nhận đã sai khi mua công ty sản xuất phụ tùng tàu bay Precision Castparts 5 năm trước với giá 37,2 tỷ USD. "Tôi đã trả giá quá cao. Không ai lừa tôi cả, chỉ tại tôi quá lạc quan về triển vọng lợi nhuận của Precision Castparts", Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 2021.
Năm ngoái, Berkshire phải hạch toán giảm giá trị đầu tư 11 tỷ USD, đa phần là vì Precision Castparts.
Đại dịch là thủ phạm chính. Số lượng chuyến bay toàn cầu sụt giảm khiến nhu cầu bảo dưỡng và sửa chữa máy bay cũng lao dốc. Năm ngoái, Precision đã phải giảm 40% số lao động.
Mặc dù đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh chung của Berkshire nhưng tập đoàn vẫn ghi nhận lợi nhuận hoạt động quý IV tăng 14% so với cùng kỳ 2019.
Động lực chính là kết quả kỷ lục kể từ năm 2010 của hãng vận tải đường sắt BNSF, mảng sản xuất cũng báo cáo một trong những quý tích cực nhất kể từ giữa 2019.