Sông Tô Lịch trong xanh sau khi nhận 1 triệu m3 nước hồ Tây. (Ảnh: Di Linh).
Trong 2 ngày vừa qua (9 và 10/7), Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Ghi nhận của chúng tôi ngày 10/7, đầu nguồn con sông này (đoạn qua phố Nguyễn Đình Hoàn) không còn mùi hôi và người dân rất vui mừng. Tuy nhiên, đây có thể là niềm vui chẳng tày gang.
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên), người lọc nước sông Tô Lịch để uống nói: "Chắc được vài bữa".
Theo ông Trần Hồng Côn, sau khi hết 1 triệu m3 nước hồ Tây, sông Tô Lịch sẽ trở về như cũ.
"Bởi lẽ, sông Tô Lịch không có nguồn nước liên tục từ hồ Tây xả ra. Nếu có nước lưu thông thì mới tốt. Còn ở đây, có nước thì xả, không có lại ngưng nên không có tác dụng gì với vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch", ông Côn nói.
PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết trước đây có phương án xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch và bù bằng nước sông Hồng.
"Tuy nhiên, lấy nước sông Hồng bù vào hồ Tây thì sẽ thay đổi hệ sinh thái trong hồ do tính chất nước khác nhau.
Hiện, Tô Lịch là sông chết, việc xả nước thừa vào là tốt, không có vấn đề gì. Một triệu m3 nước này có pha loãng, đẩy chất bẩn đi xa về cuối nguồn cũng không có vẫn đề bởi sông Nhuệ, Đáy, cũng tương tự như Tô Lịch", PGS. TS Côn nói.
Theo ông Côn, đối với sông Tô Lịch cần một bài toán qui hoạch tổng thể chứ "nếu làm cho vui, giật gấu vá vai thì không ăn thua".
Sông Tô Lịch bớt mùi hôi sau khi nhận nước từ hồ Tây. (Ảnh: Di Linh).
Cũng về việc xả 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết xả nước chẳng qua là làm cho ô nhiễm bị loãng ra.
"Đây không phải là cách thức giải quyết ô nhiễm và gốc vẫn phải xử lí ô nhiễm ở sông Tô Lịch.
Chúng ta có thể vừa sử dụng công nghệ xử lí ô nhiễm trong sông và bù thêm nước vào. Khi nước đầy lên mới có cảm giác đúng nghĩa về dòng sông.
Sau khi hết 1 triệu m3 nước, sông Tô Lịch lại cạn, như cống thoát nước, không đúng nghĩa về con sông. Việc xả 1 triệu m3 nước khiến sông không thối chẳng qua là bị pha loãng", ông Võ nói.
Thời gian gần đây, sông Tô Lịch đang được nạo vét. (Ảnh: Di Linh).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Tuy nhiên, nước không liên tục khiến sông Tô Lịch chỉ "hồi phục" một thời gian ngắn.
Mới đây, Công ty này cũng đề xuất lắp một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương (công suất 156.000m3/ngày, đêm) để dẫn nước vào hồ Tây.
Sau đó, khi nước hồ Tây được cải thiện thì sẽ điều tiết nước từ đây sang sông Tô Lịch để làm sạch sông.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến Minh (một người dân sống ở đường Láng) cho hay: "Việc xả 1 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch cũng giống như mưa lớn nhiều ngày. Sông có một lượng nước lớn đổ vào và bớt mùi hôi thôi.
Sau đó, nước sông Tô Lịch lại cạn và trở lại như xưa. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần có giải pháp phù hợp cho sông Tô Lịch chứ không thể trông chờ vào việc cấp bù nước".