Mới đây, độc giả HLA bức xúc phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM việc anh bất ngờ liên tục bị làm phiền với hàng trăm cuộc gọi từ người lạ mỗi ngày.
“Một ngày có đến hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến hỏi tôi có phải là diễn viên phim Hậu duệ mặt trời không. Bên cạnh đó còn có những cuộc gọi khiếm nhã…Việc này kéo dài khoảng một tuần nay” - anh LA bức xúc.
Sau đó anh LA tìm hiểu mới biết: Trong một đoạn đối thoại qua lại giữa hai nhân vật chính trong phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt, khi trao đổi nhân vật nam đã đọc cho nhân vật nữ một số điện thoại mà tình cờ trùng 100% với số di động của anh.
Bộ phim đang gây sốt nên số điện thoại của anh phát tán nhanh chóng.
Khi phản ánh đến êkíp sản xuất phim Hậu duệ mặt trời thì nơi này giải thích rằng đây chỉ là sự trùng hợp tình cờ và gửi lời xin lỗi chính thức đến anh LA, đồng thời kêu gọi khán giả trên trang fanpage của phim hãy ngưng làm phiền anh LA.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn, quản lý truyền thông của Công ty BHD - đơn vị sản xuất bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt, xác nhận việc lộ số điện thoại như trên là ngoài ý muốn.
“Chúng tôi nhận sai sót và đã chủ động gửi văn bản xin lỗi đến bạn LA, đăng thông tin lên fanpage để khán giả ngưng làm phiền bạn. Đây chỉ là sự cố nhỏ, không gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải bồi thường. Về vấn đề thay đổi nội dung số điện thoại trong phim là không thể được vì rất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tác, rất mong bạn LA thông cảm” - ông Tuấn nói.
Hình ảnh bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt với những diễn viên rất sáng giá. (Ảnh: Tư liệu). |
Nghị định 174/2013 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Hoàng Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM, thì nhà sản xuất phim Hậu duệ mặt trời đã có lời xin lỗi và cho rằng chỉ vô tình chứ không cố ý đưa số điện thoại này nhằm mục đích để anh LA bị quấy rối nên không có cơ sở để xử phạt hành chính họ.
“Tuy nhiên, anh LA có thể kiện nhà sản xuất phim ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu chứng minh được mình bị ảnh hưởng từ việc mất số điện thoại theo Điều 584 BLDS 2015. Chẳng hạn, nếu từ việc bị quấy nhiễu điện thoại, anh LA phải khóa máy thường xuyên và từ đó ảnh hưởng đến công việc, thu nhập thì anh LA phải có căn cứ để xác định chi phí cho việc thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; nếu thu nhập thực tế của anh LA không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Bên cạnh đó, anh LA cũng có quyền yêu cầu tòa buộc nhà sản xuất phim phải thay đổi số điện thoại của nhân vật trong phim do anh đang làm chủ sở hữu” - luật sư Nguyễn Hoàng Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ThS Trần Tuấn Duy, Phó trưởng khoa Luật, Học viện Cán bộ TP, cho rằng trong trường hợp này nhà sản xuất phim đã có lỗi, cho dù là lỗi vô ý. Nếu lỗi đó có gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Bởi theo Điều 584 BLDS 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, để anh LA chứng minh được mình có thiệt hại là điều không hề dễ.
Chuyện tương tự đã từng xảy raTrước đây đã từng có một trường hợp tương tự xảy ra: Công ty A. khi sản xuất một bộ phim cũng đã vô tình đưa số điện thoại đầy đủ của một công dân ngoài đời lên phim. Công dân đó đã đến Công ty A. yêu cầu đòi bồi thường, đề nghị công ty mua lại số điện thoại rồi hủy luôn nhưng giá anh này đưa ra khá cao nên công ty không chấp nhận. Kết quả là anh kia đã phải ngưng sử dụng số điện thoại đó trong một thời gian, chờ cho đến khi bộ phim lắng xuống, sự quan tâm của dư luận không còn thì anh dùng lại số đó. Hành vi này pháp luật không có chế tài. Tuy nhiên, việc gây ảnh hưởng tới đời sống người có số điện thoại đó là có thật. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Ấn Độ, thường ngay khi bắt đầu bộ phim thì người ta đã cho chạy dòng chữ rằng các cảnh gia súc trong phim là đồ họa, không phải là hình ảnh thực tế; tất cả con người, số điện thoại trong phim là hư cấu… để tránh trường hợp người xem lẫn lộn. Tôi nghĩ các nhà làm phim ở ta cần thận trọng, nên nghiên cứu các nội dung này, tránh gây hiểu lầm cho khán giả và ảnh hưởng đến cuộc sống người khác. Luật sư LÊ TRẠCH GIANG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Y tá Linh của Hậu duệ Mặt trời Việt Nam nói về việc Bộ Quốc phòng đề nghị sửa nội dung phim
Trúc Mây – nữ diễn viên đảm nhận vai Y tá Linh của Hậu duệ Mặt trời Việt Nam chia sẻ, sau khi nhận được ... |
Trước Hậu duệ Mặt trời Việt Nam, nhiều phim Việt từng bị dừng chiếu vì mắc 'sạn' khủng
Hậu duệ Mặt trời Việt Nam không phải là bộ phim đầu tiên vướng vào "lùm xùm", phải sửa nội dung. Trước đó, nhiều phim ... |