Chỉ với dãy cột sắt, tuyến đường Đình Thôn không thể trở thành “kiểu mẫu” khi mà vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường. |
Chiều 20/11, PV Báo Giao thông “mục sở thị” tuyến phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) - tuyến đường đang được nhiều người truyền tai nhau với danh xưng “tuyến phố kiểu mẫu thứ 2 của Hà Nội”.
Đập vào mắt PV là khoảng 200 cột sắt có kích thước bằng nhau (khoảng 4m) được cắm dọc vỉa hè. Ngoài mục đích để gắn biển hiệu cửa hàng, quảng cáo, mỗi cột được thiết kế thêm 2 nhánh phụ, một nhánh trên đỉnh để treo đèn lồng, một nhánh giữa thân cột để cắm cờ.
Ông Đông, người dân sống tại số nhà 24 cho biết, dự án này được thực hiện cách đây khoảng 2 tháng. “Theo thông báo, đây là đề án thí điểm tuyến đường văn minh đô thị giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đồng bộ kích thước biển hiệu, hệ thống cột cắm cờ hoa ngày lễ, Tết.
Nội dung của biển hiệu tùy theo mục đích kinh doanh của các hộ, không quy định về màu sắc nhưng chiều cao quy định là 1,2m. Người dân tự lựa chọn chất liệu, hình thức, tự chi trả kinh phí cho biển hiệu của mình”, ông Đông cho hay.
Trước đó, tuyến phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) được coi là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô từ tháng 5/2016 với điểm nhấn là các biển hiệu, biển quảng cáo được thiết kế với kích thước, màu sắc, cỡ chữ... đồng loạt giống nhau với 2 màu cơ bản là màu đỏ và xanh. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, mô hình “kiểu mẫu” tại đây đã gần như bị phá vỡ, hàng loạt cửa hàng trên tuyến phố này đã chủ động thay đổi màu sắc, kiểu chữ bảng hiệu cửa hàng để tăng tính nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng. |
Theo tìm hiểu của PV, việc dựng cột thép mới chỉ là giai đoạn đầu, quá trình xây dựng tuyến phố văn minh ở đây sẽ còn trải qua 2 giai đoạn nữa bao gồm: Xử lý dây điện, dây viễn thông và cuối cùng là cải tạo mặt đường, vỉa hè.
Tuy vậy, ghi nhận của PV, dù giàn cột thép đã đứng sừng sững, là ranh giới đảm bảo trật tự giữa hoạt động kinh doanh và lòng đường giao thông, song hiệu quả mang lại vẫn chưa đạt được.
Đủ các loại mặt hàng: tạp hóa, hoa tươi, gạch men tại các số nhà: 29, 40, 89, 96, 90, 56-60... vẫn được bày bán la liệt ra đến mép đường, hàng quán dọc hai bên phố vẫn ngang nhiên chiếm lòng đường làm chỗ để xe khiến giao thông liên tục hỗn loạn, ùn tắc.
Quá trình đồng bộ biển quảng cáo cũng diễn ra rất lộn xộn, chiều cao quy định là 1,2m, nhưng có biển hiệu của những hộ kinh doanh tại số nhà: 147 - 149, 155 - 159 chiều cao chỉ khoảng 1m.
Cùng đó, chiều cao lắp biển (tính từ mặt đất) trên tuyến đường Đình Thôn cũng được “tùy hứng”, biển cao, biển thấp, biển nghiêng, biển thẳng. Kích thước lệch nhau khiến hình ảnh cả trăm biển quảng cáo trở nên xộc xệch, thiếu mĩ quan.
Đáng nói, 200 chiếc cột dựng lên với kì vọng sẽ là quy chuẩn tạo sự đồng nhất xuyên suốt tuyến phố cũng đang ở trạng thái hỗn độn, hàng trồi lên, hàng thụt vào, khoảng cách chỗ dày đặc, chỗ lại rất thưa.
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia xã hội học, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện trạng của tuyến phố Đình Thôn cho thấy, khái niệm “kiểu mẫu” đã được khu trú về khía cạnh hình thức và vật chất hóa, thực hiện trên cơ sở hạ tầng chật hẹp, không đủ điều kiện để triển khai. Nói cách khác, tuyến phố đang bị kiểu mẫu một cách gò ép vào hình thức.
Theo TS. Bình, để xây dựng được một khu phố kiểu mẫu, trước tiên, khu phố được lựa chọn không phải những chỗ “ăn xó mó niêu”, chưa ổn định về hạ tầng mà phải là những tuyến phố có đủ không gian để sắp xếp biển quảng cáo, bố trí mặt đường, vỉa hè đi lại cho người dân.
“Tuyến phố Lê Trọng Tấn là một bài học đắt giá. Chúng ta có thể đồng bộ biển quảng cáo, nhưng đồng bộ ở đây không có nghĩa là thống nhất cứng nhắc, mười nhà phải như một, nó phải phù hợp với quyền lợi của các nhà kinh doanh.
Các nhà chức trách chỉ có thể quy định những nguyên tắc căn bản chung để đạt được sự hài hòa với cảnh quan, không chồng lấn.
Việc đồng bộ bảng biển có thể triển khai theo hướng hàng hóa cùng lĩnh vực sẽ chung một màu, các lĩnh vực khác nhau sẽ có những màu sắc khác nhau, mô thức trình bày khác nhau để khi nhìn vào đó, người đi đường có thể biết được đâu là nơi mình cần đến và hộ kinh doanh cũng được đảm bảo quyền lợi”, TS. Bình nói.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc triển khai tuyến phố kiểu mẫu Đình Thôn đang mang tính hình thức, máy móc. “Tạo không gian kiểu mẫu bằng cách sử dụng quá nhiều sắt thép chẳng khác gì trồng những cây cột điện, làm chật chội đường phố.
Việc dựng cột không có tác dụng mĩ quan mà lại tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh móc, nối đồ hàng khiến tuyến phố thêm xấu xí, luộm thuộm”, TS. Thủy cho hay.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, 3 giai đoạn thực hiện trên tuyến phố Đình Thôn là một qui trình ngược, có thể tạo ra một sự lãng phí lớn.
Qui trình thay đổi diện mạo của một tuyến phố đầu tiên là nghiên cứu, đặt hạ ống cáp ngầm rồi tiến đến xây dựng hè phố, mặt đường. Việc tiếp theo mới là cắm cọc hoặc trồng cây đồng bộ.
“Nhưng đường Đình Thôn lại đi ngược quy trình. Giả như, giai đoạn 2 thanh thải, xử lý dây điện, dây viễn thông được tiến hành, hạ tầng lại bị đào xới, viễn cảnh hàng trăm chiếc cột sắt trồng ở thời điểm hiện tại phải đào lên chôn lại là điều rất dễ xảy ra”, ông Tiến nhận định.
Cũng theo ông Tiến, xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, tiêu chí đầu tiên là phải đảm bảo sự thông suốt của phương tiện, có vỉa hè cho người đi bộ và đảm bảo tính mỹ quan.
Hơn hết, cơ quan chức năng phải ban hành quy định đường phố kiểu mẫu được xây dựng theo tiêu chí nào? Hình thức, cách thức tổ chức thực hiện tuyến phố kiểu mẫu ra sao. Những vị trí như nào là phù hợp?
“Nếu không có sự đồng nhất trong quản lý, để việc hình thành tuyến phố kiểu mẫu diễn ra tự phát. Hậu quả sẽ là, ý tưởng thì tốt nhưng khi triển khai lại không đạt được yêu cầu, gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến cách nhìn của cộng đồng về các tuyến phố kiểu mẫu sau này”, ông Tiến nói.
Hà Nội: Người đi bộ phải 'nhường' vỉa hè cho trụ sắt 'đồng phục' ở đường Đình Thôn
Những trụ sắt "đồng phục" trên đường Đình Thôn (Hà Nội) khiến không gian vỉa hè trở nên chật chội hơn. |