Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ. (Ảnh: Quochoi.vn)
Sáng nay 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018" và cho ý kiến nội dung báo cáo này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, thượng tướng Võ Trọng Việt, cho biết trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình.
"Tuy nhiên hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC" - tướng Việt nói.
Điều đáng nói là "việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy.
Trong khi đó, nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ.
Đoàn giám sát cho rằng "nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác PCCC không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Số lượng phương tiện được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy. Tỉ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy còn hết sức hạn chế".
Chính vì sự lạc hậu của các phương tiện, thiết bị chữa cháy nên theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khi xảy ra cháy, có những phương tiện được huy động đến nhưng không vận hành, không sử dụng được.
"Các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại xe thang không với tới được. Hơn 2.600 công trình nguy hiểm về cháy nổ nhưng chưa được thẩm định PCCC, nếu xảy ra hỏa hoạn chết người thì trách nhiệm thuộc về ai, cần phải chỉ rõ" - ông Thanh đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong các trường hợp tiết kiệm chi phí nên đưa phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu, kém hiệu quả nên xảy ra cháy thì không phát hiện, báo động, cũng không chữa cháy được.
"Nếu cơ quan quản lý nhà nước làm nghiêm từ đầu thì các chủ đầu tư, các doanh nghiệp họ không dám làm như thế" - ông Thanh bình luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh, thượng tướng Võ Trọng Việt. (Ảnh: Quochoi.vn)
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, với các tòa nhà cao tầng mà xe thang chữa cháy không vươn tới được, khi thiết kế cần phải có tầng chống cháy.
"Trực thăng thì không phải không có, ta nếu cần huy động thì quân đội sẵn sàng huy động ngay, tôi đã trực tiếp chỉ đạo thử dùng trực thăng một lần rồi nhưng không giải quyết được gì cả" - ông Tỵ nói.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ dẫn chứng vụ cháy năm 2010 ở Fansipan, Bộ Quốc phòng cho trực thăng múc nước từ hồ Sapa lên chữa cháy. Nhưng lên đến nơi nếu máy bay bay thấp quá thì rất nguy hiểm, còn bay cao để đổ nước xuống đám cháy thì nước bốc hơi hết, không giải quyết được vấn đề.
"Khi đã dùng máy bay thì phải có hóa chất để sử dụng, một số nước khi bị cháy rừng họ sử dụng máy bay rải hóa chất dập lửa, chứ dùng nước không được.
Cái này có thực tế rồi, cần dùng trực thăng bao nhiêu cũng có, đáp ứng được nhưng cái chính là có khắc phục được không" - ông Tỵ phân tích.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định trong quá xây dựng, thiết kế nhà cao tầng nhất định phải có tầng chống cháy. Đối với việc sử dụng trực thăng chữa cháy thì phải có hóa chất.
Tham gia phát biểu, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, do nắng nóng kéo dài và sự chủ quan của một số người dân nên đã xảy ra cháy rừng quy mô lớn, Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 10.000 lượt bộ đội và hàng nghìn phương tiện để tham gia chữa cháy.
Về phòng cháy, đề nghị phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thưc vì có nhận thức đúng mới thực hiện được. Đồng thời phải tăng cường đầu tư cho lực lượng chữa cháy tại chỗ, nếu tại chỗ không có lực lượng đủ mạnh và thiết bị chữa cháy kịp thời thì nguy cơ bùng phát rất lớn.
Từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỉ đồng và 6.462 héc-ta rừng.
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỉ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng.