Top món ngon được dân sành ăn mách nhau ở Sài Gòn |
Xe bánh mì nhỏ luôn tấp nập khách đợi mua. (Ảnh: Đại Việt) |
Hơn 80 năm trước, ông Trần Văn Hậu, quê ở Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) “chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn bán bánh mì lập nghiệp. Gánh hàng nhỏ của ông Hậu ban đầu chỉ bán bánh mì kẹp patê, chả lụa được bán với giá rẻ trên con đường Huỳnh Khương Ninh đã thu hút một lượng khách đông đảo nhờ chất lượng thơm ngon.
Sau này có xe đứng bán, ông Hậu lấy tên là bánh mì Bảy Hổ. Bánh mì Bảy Hổ không quá to như hiện nay bởi theo những người ở Sài Gòn ngày ấy thì bánh mì để “ăn chơi” chứ không phải ăn no. Thịt chân giò được luộc trong gia vị cho thấm đều, lớp da của chân giò có màu cam bắt mắt. Chả lụa kẹp trong bánh mì cũng do gia đình ông Hậu tự làm, kết hợp với patê “gia truyền” thơm phức đã làm nên ổ bánh mì Bảy Hổ vang danh.
Sự tồn tại bền bỉ của xe bánh mì Bảy Hổ cũng qua nhiều thăng trầm. Thời bao cấp, mỗi tuần gia đình ông Hậu chỉ được nhận 1kg thịt nên việc làm chả lụa là vô cùng khó khăn. Do muốn “trụ” cái xe bánh mì lại giữa trung tâm Sài Gòn, ông Hậu đứng đợi ngoài quầy phát thịt năn nỉ mọi người bán lại thịt cho mình với giá nhỉnh hơn chút ít để về làm chả lụa. Chính vì thế mà xe bánh mì Bảy Hổ đã tồn tại đến bây giờ.
Thịt, chả, patê "gia truyền" do gia đình tự làm đã tạo nên tên tuổi của bánh mì Bảy Hổ. (Ảnh: Đại Việt) |
Ngày nay, nối nghiệp ông Hậu là cô con gái Trần Lệ Sương và những người khác trong gia đình. Hương vị truyền thống bao năm qua vẫn được giữ lại và giá của một ổ bánh mì vẫn chỉ 13.000 – 15.000 đồng mỗi ổ. Tuy nhiên, xe bánh mì này chỉ bán từ khoảng 14h-19h mỗi ngày.
Bà Sương cho biết, sự khác biết nhất của bánh mì Bảy Hổ đó chính là các nguyên liệu đều do gia đình tự làm suốt hơn 80 năm qua. 4h sáng, các thành viên đã đi lấy thịt heo mới ra lò về chế biến bởi đó là lúc thịt heo tươi ngon nhất. Các nguyên liệu kẹp trong bánh mì được chế biến công phu như vậy mới tạo nên hương vị độc đáo, gia truyền.
Cũng theo bà Sương, xe bánh mì của gia đình được nhiều tầng lớp khác nhau đến ủng hộ do giá cả vẫn còn “mềm” ở khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, bà Sương xin không tiết lộ lượng bánh mì bán ra mỗi ngày vì sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình.
Nhiều khách ở các quận, huyện xa trung tâm cũng đến đây mua bánh mì. (Ảnh: Đại Việt) |
Bà Tới ở quận Bình Thạnh, cách đường Huỳnh Khương Ninh khoảng 3km cũng đã ăn bánh mì Bảy Hồ nhiều năm nay. (Ảnh: Đại Việt) |
Theo quan sát của chúng tôi, người dân đến mua bánh mì tấp nập ngay sau khi xe bánh mì vừa dọn ra. Trong vòng 30 phút đã có khoảng 50 ổ bánh mì được bán cho khách. Người dân liên tục tấp xe vào và đứng chờ đợi trong trật tự để mua được chiếc bánh mì nóng giòn mang hương vị truyền thống
Bà Tới (ngụ phường 13, quận Bình Thạnh) chia sẻ, hằng tuần, gia đình bà đều đến đây để mua bánh mì. Hương vị bánh mì Bảy Hổ đã đi vào suộc sống của mọi người trong gia đình suốt nhiều năm qua.
“Ăn thường xuyên nên quen rồi, giờ ăn bánh mì nơi khác thì thấy khó hợp khẩu vị”, bà Tới nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận 1) cho biết, ba ông Tuấn năm nay đã 79 tuổi nhưng chỉ thích ăn bánh mì ở Bảy Hổ. Ba ông Tuấn đã ăn bánh mì Bảy Hổ suốt hơn 40 năm qua.
“Với ba tôi, một ổ bánh mì Bảy Hổ và một lon sá xị Chương Dương vào chiều cuối tuần mới đúng là ăn kiểu Sài Gòn”, ông Tuấn vui vẻ nói.
Sài Gòn có nhiều thương hiệu “bình dân” đi vào lòng người như vậy và chỉ có những người yêu mến mảnh đất này, gắn bó với mảnh đất này mới thực sự cảm nhận được hết sự bình dị và hào sảng của nơi đây.