Sau khi thông báo xem xét hạ tín nhiệm với Việt Nam, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) cũng cho biết sẽ xem xét hạ xếp hạng của 17 ngân hàng Việt Nam.
Ngoài 4 ngân hàng lớn là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank, nhóm 13 ngân hàng còn lại được Moody's đưa vào diện xem xét có những ngân hàng top đầu, với lịch sử tín dụng tốt ACB, HDBank, MBBank, VPBank và Techcombank...
Tổng tài sản 17 ngân hàng bị Moody's xem xét hạ tín nhiệm. (Đồ hoạ: Quốc Minh).
Moody's cho biết việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với các ngân hàng Việt Nam phụ thuộc vào việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam, và không phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng.
Theo Moody's, các nhà băng sẽ chịu sự ảnh hưởng khác nhau bởi đánh giá của hãng về xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam.
1. BIDV: Trong nhóm 4 ngân hàng lớn của Việt Nam bị Moody's thông báo xem xét hạ tín nhiệm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất với 1,4 triệu tỉ đồng, tính ở thời điểm kết thúc quý II/2019. Nửa đầu năm 2019, BIDV có lãi trước thuế 4.772 tỉ đồng.
Theo Moody's, BIDV đang có cùng mức tín nhiệm với Việt Nam, nên sẽ bị đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ.
2. Agribank: Tính đến hết tháng 7/2019, tổng tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đạt 1,3 triệu tỉ đồng, xếp vị trí thứ hai sau BIDV. Ngân hàng 100% vốn nhà nước này đạt lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 ở con số 8.200 tỉ đồng, tăng 127% so với cùng kì và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng đang ở mức 1,49%, giảm được 0,02% so với đầu năm.
Tương tự BIDV, Agribank cũng bị Moody's xem xét đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ.
3. VietinBank: Tổng tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đến hết tháng 6/2019 là 1,18 triệu tỉ đồng. N7a3 đầu năm, nhà băng này đạt lợi nhuận 5.265 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,58% xuống còn 1,47%.
Nằm trong nhóm có cùng mức tín nhiệm với Việt Nam, Moody's thông tin sẽ xem xét đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ của VietinBank.
4. Vietcombank: Dù có tổng tài sản thấp nhất trong nhóm "Big 4", với 1,12 triệu tỉ đồng tính đến hết tháng 6/2019, nhưng Vietcombank là ngân hàng làm ăn hiệu quả nhất nhiều năm qua, khi luôn giữ vị trí đầu về lợi nhuận đạt được.
Nửa đầu năm, lãi trước thuế của Vietcombank đạt 11.303 tỉ đồng, gấp đôi so với nhà băng đứng thứ hai. Còn lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã lên đến 17.592 tỉ đồng.
Moody's thông tin sẽ xem xét đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ của Vietcombank.
5. Techcombank: Thuộc nhóm ngân hàng tư nhân top đầu, Techcombank bị Moody's xem xét về Xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA), tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ và ngoại tệ, do hiện cùng hạng với quốc gia.
Tính đến hết quý II/2019, tổng tài sản Techcombank đạt 360.663 tỉ đồng. Đây cũng là ngân hàng có lợi nhuận nửa đầu năm cao thứ hai, chỉ đứng sau Vietcombank, với lãi trước thuế đạt 5.661 tỉ đồng.
6. MBBank: Tương tự Techcombank, MBBank cũng bị Moody's xem xét về BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ và ngoại tệ.
Ngân hàng này có tổng tài sản 402.264 tỉ đồng tính đến hết tháng 6/2019. Nửa đầu năm nay, MBBank có 4.875 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2019 MBBank vừa công bố cũng cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 7.086 tỉ đồng, tăng 29%.
7. ACB: ACB là ngân hàng tiếp theo nằm trong nhóm nhà băng tư nhân top đầu bị xem xét về BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ và ngoại tệ.
Đến giữa năm 2019, nhà băng này đạt tổng tài sản 350.938 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận ở mức 3.622 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì.
Nửa đầu năm nay, ACB cũng đã phát hành hơn 8.000 tỉ đồng trái phiếu với kì hạn 2 năm và 3 năm.
8. VPBank: VPBank là ngân hàng đầu tiên nằm trong nhóm bị Moody's xem xét ở xếp hạng trần tiền gửi ngoại tệ B1.
Theo thống kê, đây cũng là ngân hàng nằm trong nhóm có tổng tài sản cao nhất nửa đầu năm, với 348.732 tỉ đồng. Ngoài ra, VPBank cũng nằm trong nhóm có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm, đứng sau MBBank, với 4.343 tỉ đồng lãi trước thuế.
9. VIB: Tổng tài sản VIB tính đến hết tháng 6/2019 đạt 163.856 tỉ đồng. Nửa đầu năm, ngân hàng này ghi nhận 1.820 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này được đánh giá là tăng kỉ lục, tăng đến 58% so với cùng kì, và là mức lợi nhuận bán niên cao nhất từ trước tới nay của VIB.
Ngân hàng này cho biết tính đến hết năm 2018, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 36,5%.
VIB cũng nằm trong nhóm bị Moody's xem xét ở xếp hạng trần tiền gửi ngoại tệ B1.
10. TPBank: TPBank cũng nằm trong nhóm bị Moody's xem xét ở xếp hạng trần tiền gửi ngoại tệ B1.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản TPBank đạt 145.716 tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.620 tỉ đồng, tăng 596 tỉ đồng, tương đương hơn 1,5 lần so với cùng kì năm 2018.
Nhà băng này có tổng giá trị nợ xấu tính đến hết quý II ở mức 1.336 tỉ đồng, tăng hơn 55% so với đầu năm, kéo tỉ lệ nợ xấu từ 1,12% lên mức 1,5%.
11. OCB: Trong nhóm ngân hàng tóp sau, tính đến hết tháng 6/2019, OCB có tổng tài sản đạt 108.039 tỉ đồng.
Nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 1.118 tỉ, giảm 14% so với cùng kì năm 2018. Dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 20% lên 66.935 tỉ. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 6,8% lên 64.458 tỉ đồng. Ngân hàng cũng gia tăng phát hành giấy tờ có giá để bổ sung nguồn vốn lên đến 10.747 tỉ.
OCB cũng nằm trong nhóm bị Moody's xem xét ở xếp hạng trần tiền gửi ngoại tệ B1.
12. ABBank: ABBank là ngân hàng cuối cùng nằm trong nhóm bị Moody's xem xét ở xếp hạng trần tiền gửi ngoại tệ B1.
Nửa đầu năm nay, ABBank đạt 517 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng tài sản sau soát xét ở mức 91.036 tỉ đồng. Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác đạt 19.231 tỉ đồng.
ABBank là ngân hàng duy nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần có tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm.
13. HDBank: HDBank nằm trong nhóm ngân hàng bị Moody's xem xét chỉ số xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn.
Tính đến hết tháng 6/2019, tổng tài sản HDBank đạt 210.291 tỉ đồng, giảm 2,7% so với đầu năm. Đây là một trong số những ngân hàng hiếm hoi có tổng tài sản giảm nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, lợi nhuận HDBank cũng thuộc nhóm đầu, với 2.221 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm.
14. LienVietPostBank: LienVietPostBank là ngân hàng thứ hai nằm trong nhóm bị xem xét xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của Moody's.
Nửa đầu năm nay, LienVietPostBank có mặt trong nhóm nhà băng có lãi nghìn tỉ, với 1.117 tỉ đồng, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Tổng tài sản đến hết tháng 6 là 189.995 tỉ đồng.
LienVietPostBank đã tăng mạnh huy động giấy tờ có giá, lên hơn 18.700 tỉ, tăng tới 85,4% so với đầu năm, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác cũng tăng 19%, lên gần 19.600 tỉ đồng.
15. SHB: Theo Moody's, SHB sẽ nằm trong nhóm bị xem xét về chỉ số CRR và CRA (Đánh giá rủi ro đối tác) dài hạn trong 3 tháng tới.
Nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.560 tỉ đồng, đạt 50,8% kế hoạch cả năm đề ra.
Tính đến cuối quý II/2019, tổng tài sản đạt 341.914 tỉ đồng, tăng thêm 18.638 tỉ đồng so với đầu năm.
16. MSB: Ngân hàng thứ hai nằm trong nhóm bị xem xét về chỉ số CRR và CRA dài hạn là MSB. Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 145.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5%. Tổng lợi nhuận trước thuế tăng đến 192% so với cùng kì, đạt gần 567 tỉ đồng.
17. Nam A Bank: Nam A Bank là ngân hàng cuối cùng nằm trong nhóm bị Moody's xem xét về chỉ số CRR và CRA dài hạn.
Nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank tăng hơn 36% so với cùng kì, đạt 442 tỉ đồng và hoàn thành 55% kế hoạch năm 2019.
Hết tháng 6/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 83.000 tỉ đồng.