Xem xét thông qua danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2025

Tại phiên họp thường kỳ tháng 12 (lần 3) do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 13/12, tỉnh Hải Dương đã xem xét thông qua danh mục dự án, ngành, nghề, lĩnh vực đã và đang thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư và hạn chế thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hải Châu, nguyên tắc thu hút đầu tư của Hải Dương căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh; phù hợp với quy hoạch tỉnh và đề án của ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch liên quan.

Tiêu chí thu hút đầu tư của Hải Dương trong giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030 là: thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư nhất là các dự án FDI; xây dựng hạ tầng thương mại, du lịch; phát triển trung tâm logistic; sản xuất nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao kết hợp với chế biến, bảo quản; giải quyết nhu cầu chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp nhất là công nhân ở khu, cụm công nghiệp; các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo quy định.

Cụ thể, giai đoạn 2024-2025, Hải Dương dự kiến thu hút 41 dự án, ngành, nghề gồm: hạ tầng cụm công nghiệp; xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; nhà ở xã hội; sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án công nghiệp hỗ trợ.

Đến năm 2030, Hải Dương dự kiến thu hút 112 dự án, ngành, nghề gồm: hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp; dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; nhà ở xã hội, năng lượng; dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, logistic; lĩnh vực môi trường…

Thời gian tới, Hải Dương sẽ không thu hút đầu tư với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao; những dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe con người và môi trường khi gặp sự cố; dự án sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng gồm: dệt nhuộm, dự án có công đoạn da, sơ chế, nhuộm da; lọc hóa hầu, sản xuất pin; chế biến mủ cao su; sản xuất xi măng, nung vôi công nghệ thủ công, tấm lợp sử dụng amiang; sản xuất hóa chất; dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Là một tỉnh có sản xuất nông nghiệp lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân đề nghị, bên cạnh các lĩnh vực trên, Hải Dương cần thu hút đầu tư  một cụm công nghiệp chuyên về chế biến nông sản và địa phương cần có cơ chế đặc thù  cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp này.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị, bên cạnh việc thu hút các dự án nhà ở xã hội cũng cần thu hút thêm cả nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Ông Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa từ ngữ, các tiêu chí... vào dự thảo quyết định, tờ trình danh mục dự án, ngành, nghề, lĩnh vực đã và đang thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư và hạn chế thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2025 và đến năm 2030 để tránh gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Ông Lưu Văn Bản cũng đề nghị các sở, ngành chức năng, địa phương chuẩn bị tốt hạ tầng nhất là mặt bằng sạch. Với dân số khoảng 2,1 triệu và số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,1 triệu, cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng đón doanh nghiệp đến đầu tư.

Hiện Hải Dương có 17 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 2.738 ha, tỷ lấp đầy 52,9%; trong đó, có 12 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.650 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 72,6%.  

Tỉnh có 4 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng gồm Gia Lộc, Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng và Kim Thành.

Năm 2023, Hải Dương đã khởi công và chuẩn bị khởi công nhiều công trình, dự án mới, nhất là dự án giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp đã hoàn thiện với trên 1.100 ha mặt bằng sạch đủ điều kiện đón nhận dự án đầu tư. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 của Hải Dương đạt cao với tổng số vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm 2022, cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây; trong đó, cấp mới cho 74 dự án với số vốn đăng ký là 990 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 32 lượt dự án với tổng số vốn tăng thêm là 140 triệu USD.

Bên cạnh đó, đầu tư trong nước cũng đạt tổng số vốn đăng ký 11.675 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với năm 2022; trong đó, chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho 47 dự án, với tổng số vốn đăng ký 7.355 tỷ đồng.

Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 1.805 doanh nghiệp năm 20223, tăng 15% với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 850 doanh nghiệp, tăng 12,6%.

Hiện tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; củng cố và phát triển loại hìnhkinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã và tổ hợp tác xã.

Hiện Hải Dương có khoảng gần 20.000 doanh nghiệp với tổng số đăng ký trên 200.000 tỷ đồng; có 534 dự án FDI đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đăng ký là trên 10 tỷ USD; trong đó, các khu công nghiệp có 284 dự án với tổng số vốn gần 6 tỷ USD, ngoài khu công nghiệp có 250 dự án với tổng số vốn trên 4 tỷ USD.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.