Nhiều chủ đầu tư dự án BOT liên tục kêu lỗ trong thời gian vừa qua thậm chí có đơn vị xin bán lại dự án cho nhà nước. Ảnh: Di Linh |
Dự án BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) vài năm gần đây đã góp phần thay đổi giao thông đường bộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này có nhiều bất cập, chưa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nhà nước.
Đơn cử, gần đây Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì, chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ) có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan chức năng về việc thua lỗ, không đạt được mức thu theo phương án tài chính ban đầu. Đơn vị này đang muốn bán lại dự án cho Nhà nước.
Không chỉ BOT cầu Hạc Trì, nhiều dự án BOT khác như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến tránh Vinh (Hà Tĩnh) cũng đang kêu lỗ.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc lỗ hay không cần phải hỏi lại chủ đầu tư. "Việc bán lại dự án BOT tất nhiên là do hoạt động không hiệu quả. Nhưng cần phải xem lý do cụ thể vì có thua lỗ hay không phải kiểm tra mới biết được. Không loại trừ trường hợp bán lại với giá cao hơn", ông Long nói.
Theo ông Ngô Trí Long, các dự án BOT hoạt động nhằm mục đích sinh lời. Nhà nước cần kiểm tra xem dự án có thua lỗ hay đây là "chiêu trò gây sức ép, đòi yêu sách, ép nâng phí...".
Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nhiều nhà đầu tư BOT thấy không hiệu quả sẽ rút nhưng nguyên nhân quan trọng là "tắc vốn" vì ngân hàng không cho vay khi nhận thấy không hiệu quả, rủi ro lớn.
Chuyên gia giao thông nhận định các dự án BOT đang tràn lan, thiếu quản lý. Ảnh: Di Linh |
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng việc bán lại các dự án BOT là quyền của chủ đầu tư vì pháp luật cho phép. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguyên nhân chủ đầu tư BOT muốn bán dự án.
"Mình làm thì mình phải chịu! Khi nhận phân công hoặc đấu thầu dự án BOT đã có những điều khoản nhất định. Khi chủ đầu tư BOT kêu lỗ thì cần kiểm toán Nhà nước vào cuộc xác minh", TS Thủy nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nhận định, các dự án BOT tràn lan, thiếu quản lý, quy hoạch dẫn đến tình trạng "móc túi người dân quá dễ và thua lỗ thì kêu cứu".
"Chủ đầu tư BOT có quyền bán và họ bán được cho ai thì cứ bán. Tuy nhiên, Nhà nước không nên dễ dãi với những chủ đầu tư BOT", nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho biết.