Mâm cơm của các em học sinh chủ yếu là cơm và rau hoặc mì tôm lõng bõng nước (Ảnh: Trang Anh). |
Dưới tiết trời se lạnh của những ngày chớm Đông, chúng tôi đến thăm Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) sau khi đã hẹn trước. Vượt qua quãng đường gần 100km nên khi chúng tôi có mặt cũng là giờ các em học sinh đang lúi húi với bữa trưa vội vã.
Ở căn phòng đầu tiên, em Hoàng Thị Thiên (lớp 10A, 17 tuổi, ở xã Cư K’bang) đang cắt cà chua, còn Hoàng Thị Lam (cụm 10, xã Cư K’bang) đang xé mì tôm để chuẩn bị cho bữa trưa của cả phòng.
Thấy chúng tôi đến, 4 em học sinh dừng lại việc chuẩn bị bữa trưa và cất vội mấy gói mì tôm qua một góc rồi ngượng ngùng mời khách vào phòng. Căn phòng của các em khá nhỏ được sắp xếp những vật dụng thô sơ như 4 chiếc giường, 1 bộ bàn ghế đã tróc sơn để trơ ra lớp mùn gỗ, 1 bếp gas mini và vài ba cái chén bát đã sứt miệng…
Mì tôm luôn là món ăn cứu đói khi cả phòng hết tiền. (Ảnh: Trang Anh). |
Trò chuyện cùng người lạ, ban đầu các em khá ngượng ngùng và dè dặt, nhưng dần dần các em quen và tỏ ra thiện cảm với cả đoàn.
Thiên cho biết, gia đình em có 4 anh chị em, em là con út trong nhà. Do điều kiện khó khăn nên các anh chị của em chỉ học hết cấp 1 thì nghỉ học. Không những thế, 5-6 năm trở lại đây bố em mắc bệnh thiếu máu nên kinh tế gia đình ngày một eo hẹp hơn.
Do đó, sau khi học hết lớp 9 em phải nghỉ học để phụ giúp anh chị kiếm tiền chữa bệnh cho bố. Sau 2 năm nghỉ học ở nhà đi làm thuê, đến nay sức khỏe của bố Thiên đã khỏe lại nên gia đình động viên em đi học lại cho bằng bạn bằng bè.
“Do nghỉ học 2 năm rồi, giờ đi học lại em cảm thấy hơi tự ti so với bạn bè. Nhưng đây là ước nguyện của gia đình và cũng chính là điều mong ước của em suốt 2 năm qua nên em đã tiếp tục đi học lại.
Em chỉ mong học xong 12 để kiếm cái bằng rồi tìm công việc gì phụ giúp gia đình”, Thiên nghẹn ngào nói.
Cũng theo Thiên, được đi học là niềm hạnh phúc của em nên mỗi ngày đến trường em ăn rau hay mì tôm đều không quan trọng, em chỉ mong bố mau khỏi bệnh để đồng hành cùng em trên con đường học vấn.
Hội và chị gái tranh thủ học bài trong lúc rảnh rỗi. (Ảnh: Trang Anh). |
Ở phòng bên cạnh, Hoàng Tính Hội (ở đội 10, xã Cư K’bang) đang húp vội tô mì tôm lõng bõng nước do sáng đi học em chưa có gì lót dạ.
Hội cho hay, phòng em có tổng cộng 5 người, các bạn đều có hoàn cảnh khó khăn tương tự nhau. Mỗi tháng các em về nhà 1 lần rồi mang lương thực lên trường để ăn dần.
Bên cạnh đó, mỗi tháng các em được bố mẹ chu cấp khoảng 200.000-300.000 đồng để mua thức ăn, sinh hoạt. Tuy nhiên, do ở khu vực trung tâm, giá cả đắt đỏ nên các em chủ yếu mua rau và mì tôm dự trữ trước.
“Hôm nào sang thì bọn em ăn cơm với cá khô, chứ thịt cá tương sống thì vài tháng cả phòng với dám ăn một lần. Còn lại những bữa cơm mọi ngày của cả phòng chỉ toàn là canh rau hoặc mì tôm rồi cả phòng thi nhau “húp”.
Mặc dù ăn uống kham khổ nhưng chúng em vẫn rất vui và hạnh phúc vì chí ít chúng em còn may mắn hơn nhiều người khác là được đến trường học chữ.”, cậu học trò nghèo chia sẻ.
Niên mặc dù gia đình khó khăn nhưng các em luôn chăm chỉ để không phụ lòng mọi người. (Ảnh: Trang Anh). |
Với gương mặt hốc hác, gầy rộc, Phàng A Niên (thôn 14, xã Cư K’bang) trông già hơn so với những cậu học trò cùng trang lứa. Nhiều tháng nay cậu vẫn đắn đo suy nghĩ liệu mình có nên theo học nữa hay bỏ ngang để phụ giúp gia đình.
Gia cảnh quá khó khăn nên có lần Niên lấy lý do về nhà phụ giúp gia đình để xin rút học bạ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiều hoàn cảnh của Niên, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám Đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp đã tìm cách giúp đỡ.
Sau đó, cô Phượng gặng hỏi thì Niên với bắt đầu trút bầu tâm sự của mình. Niên cho hay, tháng 10 vừa qua, Niên về nhà xin tiền học nhưng cả gia đình chỉ còn đúng 100.000 đồng. Khi cầm những đồng tiền cuối cùng bố đưa, Niên cảm thấy bất lực và muốn nghỉ học để bớt gánh nặng cho gia đình.
Tuy vậy, khi Niên mới mở lời thì người cha già của em đã cắt ngang và động viên em tiếp tục đến lớp.
“Bố nói với em rằng ở nhà có khổ như thế nào thì vẫn phải lo cho em được đi học đến nơi đến chốn. Nghe lời bố, em đưa lại bố 40.000 đồng, em chỉ lấy 60.000 đồng nhưng bố không đồng ý.
Bố nói với em, nhà hết cái ăn thì có rau, mắm muối, nhưng em đi học phải ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Lúc đó em chỉ thấy thương bố vô cùng và thầm hứa sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng gia đình và các thầy cô”, Niên tâm sự.
Nhà trường tạo điều kiện cho các em học sinh trồng rau để cải thiện bữa ăn. (Ảnh: Trang Anh) |
Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, cho biết, khối lớp 10 của trường có khoảng 60 em học sinh. Tuy nhiên, hoàn cảnh của các em vô cùng khó khăn, do đó trường đã sắp xếp được cho 28 em học sinh học bán trú.
Bên cạnh đó, cô cũng đã vận động giáo viên toàn trung tâm góp được 3,4 triệu đồng để trao mỗi tháng 200.000-300.000 đồng cho 10 em đặc biệt khó khăn đang có ý định bỏ học. Tuy nhiên, khoản tiền này cũng không đủ phụ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dài.
Cũng theo cô Phượng, nhận thấy hoàn cảnh của các em như vậy các thầy cô trong trường cũng liên hệ nhiều nơi tìm việc làm thêm nhưng rất khó để sắp xếp thời gian hợp lý do buổi sáng các em học văn hóa, chiều học nghề.
Cô Phượng cũng mong muốn các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ để các em có cuộc sống ấm no hơn, giúp các em yên tâm học tập.
Cậu học sinh nghèo được Chủ tịch nước vinh danh và tặng ảnh Bác Hồ
Thầy Lê Văn Lợi, Phó Hiệu trưởng trường THCS Bình An Thịnh (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, một học sinh của trường ... |
Những hình ảnh ấn tượng về lớp học trên thế giới
Dù được học trong môi trường công nghệ hiện đại hay điều kiện khó khăn nhất, thầy cô vẫn luôn miệt mài dạy con chữ ... |
Thanh Hóa: Trường THCS Thành Mỹ 'cắt xén' tiền trợ cấp bán trú của học sinh nghèo suốt nhiều năm
Trong những năm học từ 2013 – 2014 đến nay, trường THCS Thành Mỹ đều tự ý “xin lại” khoảng 25% khoản tiền này khiến ... |