Xử lí trách nhiệm hình sự sau vụ cháy Công ty Rạng Đông sẽ rất khó khăn?

Theo luật sư, Luật Bảo vệ môi trường không hề có quy định cụ thể nào về thẩm quyền, trách nhiệm cũng như quy trình cảnh báo nguy cơ hoặc cảnh báo sự cố môi trường.

Trong sáng nay (12/9), việc tháo dỡ, vận chuyển chất thải tại khu vực cháy nhà máy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) sẽ được triển khai. Bộ Tư lệnh hóa học, Bộ Quốc phòng sẽ phun thuốc để cô lập, tránh tình trạng thủy ngân có thể phát tán.

rạng đông

Rạng Đông thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cư dân xung quanh nhà máy. (Ảnh: Minh Quyết).

Sau khi mặt bằng vụ cháy được dọn sạch, Bộ Tư lệnh hóa học sẽ tiếp tục tẩy độc tại chỗ. Phạm vi tiêu tẩy độc được xác định cả trong và ngoài khu vực của công ty, khoảng hơn 6.000 m2.

Việc thu gom chất thải đưa đi xử lí dự kiến hoàn thành trước ngày 15/9. Ngay sau khi tẩy độc toàn bộ khu vực, sẽ khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở mới.

Luật không có quy định cụ thể

Liên quan vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) đánh giá: "Trong sự cố môi trường Rạng Đông, việc xử lí trách nhiệm hình sự rất khó khăn". Bởi, theo luật sư, Luật Bảo vệ môi trường không hề có quy định cụ thể nào về thẩm quyền, trách nhiệm cũng như quy trình cảnh báo nguy cơ hoặc cảnh báo sự cố môi trường. 

Trong trường hợp có căn cứ xác định về việc hỏa hoạn ở Rạng Đông do lỗi trong việc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án, tiếp tục điều tra xác minh làm rõ vai trò trách nhiệm của cá nhân để khởi tố bị can và xử lí theo quy định pháp luật.

"Mặt khác, nếu Rạng Đông chứng minh được sự cố trên là do sự kiện bất khả kháng thì rất khó có thể khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu nói đến tội phạm, gây ô nhiễm môi trường, nó phải là lỗi cố ý. Trong trường hợp họ chứng minh được vụ hỏa hoạn là trường hợp bất khả kháng thì cần phải xem xét các vấn đề có liên quan, đối chiếu với quy định của pháp luật để xử lí", luật sư phân tích.

Người dân cần những gì nếu muốn kiện Rạng Đông?

Về mặt dân sự, luật sư cho rằng người dân có thể kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản (nếu có thiệt hại) và bồi thường về sức khỏe theo điều 589, 590 BLDS 2015.

Cụ thể người dân cần khởi kiện nơi Công ty Rạng Đông có trụ sở, trong đơn khởi kiện cần liệt kê những tài sản bị thiệt hại do hỏa hoạn gây ra có thể chứng minh bằng ảnh chụp, thu nhập bị mất do hỏa hoạn.

Về vấn đề bồi thường sức khỏe, cần có xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng do những chất độc hại từ vụ cháy với các chứng cứ bao gồm: Giấy khám sức khỏe, xác nhận của bệnh viện, biên lai phí, lệ phí, hóa đơn chứng từ trong quá trình điều trị.

photo-1

Bộ Tư lệnh hóa học, Bộ Quốc phòng sẽ phun thuốc để cô lập, tránh tình trạng thủy ngân có thể phát tán. (Ảnh: CAND).

Đám cháy xảy ra ở Công ty Rạng Đông vào tối 28/8. Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình đã phát đi văn bản hướng dẫn người dân thực hiện một số biện pháp bảo vệ sức khỏe sau vụ cháy. Tại thông báo này, phường Hạ Đình khuyến cáo người dân sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày.

Tới ngày 4/9, tức 8 ngày sau đám cháy, khu vực bị cháy mới được che bạt cách li.

Bốn ngày sau, Tổng cục Môi trường khẳng định Công ty Rạng Đông thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam như đã báo cáo của công ty này. Hầu hết thủy ngân trong bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.

Chiều 9/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lí hậu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chiều 10/9, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã kí văn bản hỏa tốc, giao các đơn vị chuyên trách khắc phục hậu quả, tẩy độc toàn bộ khu vực, đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.