Xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngành du lịch 'ngồi trên đống lửa'

Sau hai tháng rưỡi thực hiện kích cầu du lịch trong nước, ngay khi ngành du lịch toàn quốc có dấu hiệu khởi sắc trở lại, thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 416 trong cộng đồng tại Đà Nẵng lại khiến nhiều du khách “chùn bước”.

Khách đòi hủy tour Đà Nẵng, hãng du lịch đau đầu

Chị Thương, Trưởng bộ phận Sale tại một công ty du lịch có tiếng trên địa bàn thủ đô Hà Nội đang quay cuồng từ đêm qua 24/7 khi hàng loạt đoàn khách đòi hủy vé, hủy lịch trình du lịch đến Đà Nẵng sau thông tin về ca nghi nhiễm Covid-19

Đến hôm 25/7, khi Bộ Y tế chính thức xác nhận ca nhiễm mới sau lần xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2 thứ tư, tình trạng khách yêu cầu hủy tour, hoàn vé càng thêm trầm trọng.

“Một đoàn khách gia đình 5 người đặt tour Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm cuối tháng 7 vừa yêu cầu hủy tour, hoàn lại vé vào đêm qua. Sáng nay, một nhóm khách khác đã chốt tour lại tiếp tục yêu cầu đổi địa điểm sau thông tin về ca nhiễm mới Covid-19

Tôi hiện rất đau đầu vì không thể xử lý các trường hợp hoàn vé cho khách hàng do hãng bay chưa hủy chuyến. Hủy vé lúc này, khách hàng mất hoàn toàn quyền lợi và số tiền đã bỏ ra, không thể được hoàn tiền”, chị Thương cho hay.

1 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, cả ngành du lịch "ngồi trên đống lửa" - Ảnh 1.

Ngay cả khi du khách không yêu cầu hủy tour, công ty du lịch cũng phải đối mặt với áp lực lớn trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách khi đến Đà Nẵng

“Công ty tôi hiện đang chăm sóc hàng chục đoàn khách đã đặt tour đến Đà Nẵng trong hai tuần tiếp theo. Ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng là tình huống chúng tôi hoàn toàn không lường trước và hiện chưa có phương án xử lí thỏa đáng cho khách hàng. Chúng tôi đã chi trả toàn bộ trọn gói tour để đặt chỗ, do đó việc hoàn lại tiền lúc này khi chưa có thông tin cụ thể từ chính quyền, hãng bay và các bên liên quan là hoàn toàn không thể”, chị nói thêm.

Không chỉ đau đầu vì loạt khách hàng đòi hủy tour, hoàn vé, chị Thương còn quay cuồng để chăm sóc đoàn khách tour hiện đang có mặt tại Đà Nẵng, làm sao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách trong thời gian lưu trú, du lịch và trên cả chặng bay về.

Chị cho biết trước khi có thông tin về ca nhiễm mới Covid-19, tour du lịch Đà Nẵng là một trong những chặng bán chạy nhất do chất lượng dịch vụ du lịch tốt, giá kích cầu du lịch rẻ chạm sàn vô cùng hấp dẫn. Do vậy, khi Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm mới, số lượng khách hàng yêu cầu hủy chuyến là lớn đáng kể. 

"Ngay cả khi du khách không yêu cầu hủy tour, chúng tôi cũng phải đối mặt với áp lực lớn trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách khi đến Đà Nẵng", chị Thương nói.

Ông Thêm, điều hành một hãng thuê xe du lịch trọn gói tại Đà Nẵng cũng liên tiếp nhận được thông tin hủy đặt xe của khách hàng trong hai ngày qua: “Công ty chúng tôi cung cấp dịch vụ thuê xe cho khách hàng gia đình, nhóm khách, khách lẻ đến Đà Nẵng thăm quan du lịch. Từ chiều qua, tôi nhận được hàng chục cuộc gọi từ khách hàng đã đặt xe. Một số yêu cầu hủy đặt xe, một số hỏi han tình hình tại Đà Nẵng do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì mô hình kinh doanh gia đình, nên tôi cũng hết sức cố gắng tạo điều kiện cho du khách hủy xe nếu họ không thể đến Đà Nẵng do dịch bệnh”. 

Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc có hay không nguy cơ hủy các chuyến bay nội địa đến và đi Đà Nẵng. Đa số các bên liên quan đều cho biết đang đợi chỉ đạo từ các cơ quan chức năng. Do đó, về cơ bản, tại thời điểm chưa có thông báo ngừng hoạt động văn hóa du lịch và đình chỉ chuyến bay, việc khách hàng đòi hủy chuyến, hoàn vé máy bay sẽ phải chịu hoàn toàn thiệt hại. 

Ngành du lịch cả nước “ngồi trên đống lửa”

Không cung cấp dịch vụ tại Đà Nẵng nhưng anh Quân, chủ một chuỗi nhà hàng hải sản có tiếng tại Sầm Sơn cũng đang nóng lòng sau thông tin ca nhiễm mới Covid-19 vừa qua. “Lượng khách đổ về Sầm Sơn trong những ngày qua quá lớn, bãi biển đông nghẹt người, nhà hàng cũng chật cứng khách. Không thể biết được có bao nhiêu du khách đã đến Đà Nẵng rồi trở về Sầm Sơn”, anh chia sẻ.

“Ưu tiên tiên quyết lúc này là đảm bảo an toàn cho người lao động và khách du lịch. Tôi đang theo dõi chặt chẽ những thông tin tiếp theo về diễn biến dịch bệnh, và đã chuẩn bị một số phương án dự phòng. Nếu cần thiết, đóng cửa trở lại chuỗi nhà hàng là một phương án có thể cân nhắc”, anh Quân nói thêm.

Chị Giang, chủ hai homestay cao cấp đang “nổi như cồn” tạị Phú Quốc cũng đang lo lắng về tình hình dịch bệnh. Phú Quốc trong những ngày qua cũng là điểm du lịch nóng đón hàng trăm ngàn lượng khách. “Khách đặt phòng tại hai homestay mà Giang quản lí hiện đã gần như full đến cuối tháng 8. Nếu dịch bệnh bùng phát, Giang buộc phải có hướng xử lí như hoàn lại 100% tiền cọc phòng cho du khách hoặc tạm ngừng hoạt động homestay. Nhìn chung, thiệt hại chắc chắn sẽ lớn”, chị cho biết.

Không riêng những người làm du lịch, ngay chính khách du lịch cũng lo lắng không kém. Cơ quan chị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) có kế hoạch cho cán bộ nhân viên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng 8 năm nay. Dự kiến, sự kiện du lịch sẽ bao gồm cả chương trình kỷ niệm thành lập cơ quan. Lịch trình đã được thông qua từ đầu tháng 6, phòng và vé máy bay cũng được đặt xong. “Tôi nghĩ nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ hủy lịch trình để đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên là rất cao”, chị Thúy cho hay.

Hiện phía Bộ Y tế đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, truy vết nguồn lây để có biện pháp phản ứng kịp thời. 

Cho đến sáng nay (26/7), Đà Nẵng đã ghi nhận thêm ca nhiễm mới tại quận Hải Châu Đà Nẵng, hiện chưa có thông tin chi tiết về lịch trình của bệnh nhân này.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn tối ngày 24/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã kêu gọi người dân và du khách bình tĩnh, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phòng và chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định tình hình trật tự xã hội cũng như dốc sức ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.