Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ấn tượng

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,48 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm. Các thị trường chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, Canada, Thái Lan đều có mức tăng trưởng hai con số bất chấp dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp.

Số liệu của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 năm 2020 ước đạt 1,15 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2020 đạt 8,48 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng năm 2019. 

Kết quả này đánh dấu quí III/2020 là quí đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu gỗ mà tháng nào cũng vượt mốc 1 tỉ USD, trước đó, xuất khẩu gỗ tháng 7 ghi nhận giá trị đạt 1,128 tỉ USD và tháng 8 đạt 1,149 tỉ USD.

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 - chiếm 77,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. 

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, ngành gỗ vẫn liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. 

Đóng góp cho sự tăng trưởng xuất khẩu về kim ngạch chính của ngành gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng đầu năm là từ các thị trường như Mỹ tăng hơn 835 triệu USD so với cùng năm 2019, tương đương tăng hơn 26%, Trung Quốc tăng hơn 79 triệu USD, tương đương tăng 10,6%, Canada tăng gần 12 triệu USD, tương đương 10,3% và Thái Lan tăng hơn 5 triệu USD so với cùng kì năm 2019, tương đương 20,6%.

Gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2020 đạt 8,48 tỉ USD. (Ảnh: Như Huỳnh).

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020 tăng một phần do dịch bệnh Covid-19 khiến việc thực thi giãn cách xã hội, làm việc ở nhà tăng dẫn đến nhu cầu về đồ gỗ nội thất tăng, ngoài ra thị trường nhà ở tại Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) chứng kiến sự tăng trưởng bất chấp dịch bệnh.

Cụ thể số căn hộ đơn bán ra tháng 7/2020 tăng 9,8% so với năm 2019, lượng tồn kho về nhà ở tại Mỹ tháng 7/2020 giảm hơn 21% so với năm 2019.

Điều này cũng khiến nhu cầu về đồ nội thất tăng. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, ít ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, giúp Việt Nam được hưởng lợi từ suy giảm sản lượng đồ nội thất của các quốc gia khác bị ảnh hưởng nặng hơn do dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, từ ngày 1/8/2020 hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ngành gỗ Việt Nam kì vọng thực thi EVFTA sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của mình tại các nước trong khối EU. 

Bởi bỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang EU. Kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng này của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm qua. 

Tuy vậy, theo Báo cáo “Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU” của Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends3, mặc dù EVFTA đem lại những ưu đãi về thuế nhưng các mức thuế ưu đãi mới sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai.

Nguyên nhân là những mặt hàng gỗ có kim ngạch xuất khẩu lớn (117 mặt hàng, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu) đã có mức thuế nhập khẩu 0% trước khi EVFTA có hiệu lực. 

Do vậy, EVFTA đối với ngành gỗ sẽ là bài toán hướng đến dài hạn như tiếp cận máy móc, công nghệ hiện đại của EU, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, phòng vệ thương mại, cải cách thể chế, tăng cường thực thi sở hữu trí tuệ, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch, và thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Một điểm đáng chú ý trong ngành gỗ và các sản phẩm gỗ là ngày 1/9/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP qui định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam.

Trong đó Nghị định qui định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với nhập khẩu, xuất khẩu; tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; cấp giấy phép FLEGT. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020 (trừ cấp giấy phép FLEGT và phân loại doanh nghiệp sau khi Nghị định có hiệu lực 180 ngày). 

Đây là cơ sở để tăng việc đảm bảo tính pháp lí của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, điều này sẽ khiến đồ gỗ của Việt Nam có thêm động lực để nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, yêu cầu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch, và sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Ngoài ra, thực thi chính sách trên cũng giúp giảm nguy cơ về nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp. 

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng do vào mùa Noel, người dân các nước tăng mức chi tiêu, mua sắm; tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất trong nước dần trở lại bình thường, Chính phủ Việt Nam dần khôi phục lại các đường bay quốc tế.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.