Nếu như trong tháng 3, tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đồ gỗ nội thất đều kêu khó đủ đường, thì giờ đây, các doanh nghiệp đã có những tín hiệu vui trong việc phục hồi từ sau đại dịch.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Liêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt cho biết: “Thời điểm giãn cách xã hội vào tháng 4, tháng 5, chúng tôi bị sụt giảm đáng kể về doanh thu, đơn hàng giảm liên tục. Bước sang tháng 6, đơn hàng phục hồi, đến thời điểm này, doanh nghiệp đang hoạt động hết công sức để hoàn thành đơn hàng".
Theo ông Liêm, lượng đơn hàng đến thời điểm này tăng khoảng 20% so với cùng kì năm 2019 và chủ yếu tăng ở thị trường chủ lực - Mỹ.
"Nguyên nhân là do khách hàng ở các nước Mỹ ở nhà nhiều trong thời gian dịch bệnh nên có xu hướng mua sắm nội thất, và vật dụng trong nhà nhiều hơn.
Ngoài ra có thể do nguồn cung hàng từ Trung Quốc sang Mỹ giảm nên đơn hàng của công ty tăng trưởng khá tốt", đại diện Công ty Lâm Việt chia sẻ.
Không chỉ công ty Lâm Việt, nhiều doanh nghiệp gỗ cũng đang tất bật chuẩn bị đơn hàng, thậm chí đã hoàn thành kế hoạch năm dù chỉ mới đi qua 2/3 chặng đường.
Kết quả kinh doanh của Công ty Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) cho biết kết thúc quí III/2020 doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch nhận đơn hàng xuất khẩu cả năm 2020 với tổng trị giá xấp xỉ 324 tỉ đồng tương ứng hơn 14 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kì năm 2019.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu GDT đạt 276 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kì, đặt hàng đã nhận tăng 30% so với cùng kì năm ngoái.
"Có thời điểm chỉ trong 1 tuần mà GDT nhận được đơn đặt hàng lên đến hơn 1,4 triệu USD, điều chưa từng có từ trước đến nay.
Tổng giá trị đơn hàng đã nhận của tháng 9 tăng gần gấp ba giá trị đơn hàng nhận trong tháng 8/2020. Bên cạnh đó, GDT cũng đã có rất nhiều đơn hàng mới cho cả năm 2021", bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty gỗ Đức Thành chia sẻ.
Thực tế, theo Bộ Công Thương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn khởi sắc.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2020 đạt 1,15 tỉ USD, tăng 21,6% so với tháng 8/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 928,2 triệu USD, tăng 35,8% so với tháng 8/2019.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2020 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,33 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kì năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,46 tỉ USD, tăng 14,3% so với cùng kì năm 2019.
Như vậy, tháng 8/2020 là tháng thứ ba liên tiếp trị giá xuất khẩu mặt hàng này tăng so với tháng trước đó và so với cùng kì năm 2019.
Đặc biết đây cũng là kỉ lục mới về giá trị xuất khẩu gỗ. Bởi trước đó, trong tháng 7/2020, ngành hàng vừa xác lập kỉ lục đầu tiên với giá trị xuất khẩu hơn 1,1 tỉ USD. Theo đó, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành gỗ có hai tháng liên tiếp đạt giá trị xuất khẩu hơn một tỉ USD/tháng.
Chia sẻ nguyên nhân của sự "vượt khó" ngoạn mục này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho biết: “Mặc dù trong thời gian dịch bệnh nhưng sản phẩm gỗ và đồ gỗ được người tiêu dùng tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU vẫn tiêu thụ tốt.
Các mặt hàng đồ gỗ dùng trong nhà tăng mạnh do người dân ít ra đường. Việc giao thương bị hạn chế thì chúng tôi dần chuyển sang bán hàng trên các showroom ảo qua nền tảng HOPE. Điều may mắn là ngành này có thể áp dụng công nghệ hiện đại.
Thế nên, ngành gỗ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng bất chấp Covid-19, chứ ngành hàng không làm gì quá cao siêu trong khi các ngành hàng xuất khẩu khác đang gặp khó”.
Đồng quan điểm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhận định sự đứt gãy trong các chuỗi cung ứng nguyên liệu và dòng chảy xuất khẩu do các hạn chế về cách lo xã hội của nhiều nước cho thấy một yêu cầu hết sức cấp bách của ngành trong việc chuyển đổi phương thức bán hàng theo cách truyền thống (offline) theo hình thức bán hàng online. Đây cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay.
Theo đó, kết thúc 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ đã mang về hơn 7,3 tỉ USD, tương đương hoàn thành hơn 58% kế hoạch năm. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 12-15%, nhiều ý kiến cho rằng nếu không có gì đặc biệt, ngành gỗ sẽ cán đích xuất khẩu trong năm 2020.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Liêm cho biết: "Đơn hàng cho quí IV năm nay đã kín và sang quí I, quí II/2021 cũng tương đối được lấp đầy. Các thị trường chính của công ty là Mỹ, Canada, Anh, châu Âu đều tăng.
Với tình hình đơn hàng này, Lâm Việt có thể tăng trưởng 10- 15% và ngành gỗ dự báo sẽ tăng trưởng 14-15% trong năm nay".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, từ đây đến cuối năm, dự kiến đơn hàng sẽ còn tiếp tục được đối tác dồn về Việt Nam. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kì vọng vào Hiệp định EVFTA sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên trong thời gian tới.
Đồng thời với lợi thế từ hiệp định này, đang có làn sóng chuyển dịch từ các nước vào Việt Nam. “Việc chuyển dịch như thế giúp ích rất lớn cho nước ta. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đồng thời mang theo công nghệ sản xuất tiên tiến nhất.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp gỗ trong nước cải tiến công nghệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao”, ông Phương nhấn mạnh.
Còn theo Bộ Công Thương, xu hướng dịch chuyển thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Mỹ từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, đang ngày càng rõ nét.
Cụ thể xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt 722,97 triệu USD trong tháng 8, tăng gần 49% so với cùng kì năm 2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 4 tỉ USD, tăng hơn 26% so với 8 tháng đầu năm ngoái.
"Việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ tăng mạnh, cộng thêm mùa cao điểm để xuất khẩu đồ gỗ là vào những tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,5 tỉ USD kế hoạch đề ra trong năm 2020", Bộ Công Thương dự báo.
Tuy nhiên, để giữ vững thị phần đồ nội thất bằng gỗ tại Mỹ, Bộ cho rằng doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cần chú trọng về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, nhằm giảm thiểu rủi ro, tránh trường hợp bị khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế như mặt hàng gỗ dán trong thời gian qua.