Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về gần 11 tỉ USD trong 11 tháng

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2020 đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/tháng. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2020 đạt 10,88 tỉ USD, tăng hơn 14% so với cùng kì năm 2019.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2020 ước đạt 1,1 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2020 đạt 10,88 tỉ USD, tăng hơn 14% so với cùng năm 2019. 

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là ba thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020, chiếm 77,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong 10 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh tại các thị trường như Mỹ tăng 1,36 tỉ USD tương đương tăng 32,3% so với cùng năm 2019, Trung Quốc tăng 32,3 triệu USD tương đương tăng 3,4%, đặc biệt một số thị trường nhiều tiềm năng như Canada tăng gần 25 triệu USD tương đương tăng 17%, Thái Lan tăng 6,6 triệu USD tương đương tăng 20,2%.

Ngược lại, một số thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh như là Anh giảm 72,5 USD tương đương giảm 27,8%, Nhật Bản giảm gần 37 triệu USD, tương đương giảm 3,4% so với cùng năm 2019.

Xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng ấn tượng, thu về gần 11 tỉ USD trong 11 tháng - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2020 ước đạt 1,1 tỉ USD. (Ảnh: Như Huỳnh).

Như vậy, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, 11 tháng đầu năm 2020 ngành gỗ Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng ấn tượng, đó là tháng thứ 5 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 1 tỉ USD/tháng. 

Bên cạnh đó, giữ vững các thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Điển hình tại EU, trong nhóm các nước nhiệt đới xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất vào thị trường EU trong 10 tháng đầu năm 2020 chỉ có Việt Nam giữ vững được giá trị xuất khẩu vào thị trường này (chỉ giảm 1% so với năm 2019) trong khi các nước khác trong khu vực giảm mạnh như Thái Lan giảm 29%, Malaysia giảm 22%, Indonesia giảm 10% và Philippines giảm 9%.

Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2020 Việt Nam đã thúc đẩy phát triển một số thị trường tiềm năng như Canada, Thái Lan. Giá trị nhập khẩu tháng 11/2020 ước đạt 235 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,25 tỉ USD, giảm 2,4% so với cùng năm 2019. 

Trong 10 tháng đầu năm 2020, 31,7% trong tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ thị trường Trung Quốc, 12,9% từ thị trường Mỹ và 5% từ thị trường Thái Lan.

Trong đó, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 từ thị trường Trung Quốc tăng trưởng 28,5%, Thái Lan tăng 10% còn nhập khẩu từ thị trường Mỹ lại giảm 8,6%. 

Đánh giá về nhu cầu thị trường tháng cuối năm 2020, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng các thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc có những tín hiệu khả quan cho ngành gỗ của Việt Nam như nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại trong quí III, tiêu dùng tăng 41%, đầu tư tăng 20%, nhu cầu đồ gỗ gia dụng tiếp tục cao.

Cùng với đó GDP của các nước trong khối EU theo dự báo của Barclays tăng trưởng trở lại, bên cạnh đó lực mua cũng tăng do tỉ giá đồng euro trên thị trường quốc tế tăng, cụ thể tỉ lệ euro/dolar tăng từ dưới 1,1 đến gần 1,2 trong khoảng tháng 5 đến tháng 8. 

Ngoài ra với nhiều dịp lễ hội cuối năm nên dự báo nhu cầu của người tiêu dùng sẽ có xu hướng tăng. 

"Từ cuối tháng 9 Trung Quốc đã đưa vào sử dụng Cảng quốc tế đường bộ Quảng Châu, đây là cảng đón các chuyến tàu trở gỗ nguyên liệu từ châu Phi về, kênh vận chuyển mới này được kì vọng sẽ làm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm gỗ của Trung Quốc.

Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến ngành gỗ của Việt Nam khi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trên thị trường quốc tế về đồ gỗ nội ngoại thất", Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.