Theo Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng qua, sản lượng giày dép da ước đạt 265,6 triệu đôi, giảm 2,5% so với cùng kì năm 2019. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2,5% so với cùng kì.
Cũng giống như ngành dệt may, sản xuất của ngành da giày cũng bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch Covid-19.
Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 11 ước đạt 1,4 tỉ USD, tăng 0,1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 14,93 tỉ USD, giảm 9,8% so với cùng kì.
Trao đổi với báo chí bên lề Triển lãm về Công nghiệp hỗ trợ và chế tạo Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết ngay từ đầu năm, dịch Covid-19 đứt gãy chuỗi cung và chuỗi cầu.
Bà Xuân cho biết năm 2020, xuất khẩu hàng da dày có thể giảm 10% xuống khoảng 20 tỉ USD - tương đương mốc năm 2018.
Mặc dù vậy, bà Xuân cho rằng đây là mức giảm nhẹ so với mức độ tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu.
"Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc sản xuất không bị gián đoạn nhiều, nhờ đó, các đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam. Đấy là lợi thế lớn của Việt Nam giúp khôi phục sản xuất", bà Xuân nói.
Trao đổi với người viết, bà Trần Thị Hướng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Gia Định cho biết năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên các đơn hàng giảm 20 - 30%. Thậm chí tại Mỹ, lượng đơn hàng giảm tới 50%. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đang khởi sắc, các đơn hàng tăng trở lại.
"Hiện nay, chúng tôi đủ đơn hàng để thực hiện đến tháng 2/2021. Tuy nhiên, thời gian thanh toán các đơn hàng bị kéo dài gấp đôi so với trước đây lên 180 ngày. Do đó, chúng tôi phải tìm nguồn tài chính để ổn định doanh nghiệp", bà Hướng nói.
Bà Hướng cũng tỏ ra lo ngại nếu dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu không được kiểm soát tốt, và nhiều nước tiếp tục bị phong tỏa khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.
"Hiện chúng tôi chưa có chưa có kịch bản đối phó với vấn đề này", bà Hướng nói.
Bộ Công Thương Từ nhận định từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu.
Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.
Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021.
Bà Xuân cho biết dệt may là một trong những ngành tận dụng tốt nhất hiệp định EVFTA khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 400 triệu USD.
Vị này nhận định xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu qui tắc xuất xứ.
“Ngành công nghiệp da giày rất phát triển khi đứng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ tương xứng. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khi tham gia hội nhập quốc tế phải đáp ứng yêu cầu của các thị trường phát triển giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu đó”, bà Xuân nói.
Bà Hướng cho biết hiện công ty đang xây dựng nhà máy nguyên phụ liệu cho da, giày nhằm đáp ứng các yêu cầu qui tắc xuất xứ ở các thị trường khó tính. Bà Hướng kì vọng năm 2021, hoạt động xuất khẩu sẽ tăng trưởng 20%.