Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nửa đầu năm 2020 giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6 năm 2020 ước đạt 3,15 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 18,81 tỉ USD, giảm 3,4% so với cùng kì năm 2019.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỉ USD, giảm 2,7%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, giảm 19,4%. 

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,56 tỉ USD, giảm 8,6%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,3 tỉ USD, tăng 2,7%. 

Thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm lần lượt là 24,2%, 21,9%, 8,8% và 6,1%. 

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6 năm 2020 đạt 2,6 tỉ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 14,3 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng năm 2019. 

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt gần 11,6 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng năm 2019. 

Mỹ, Trung Quốc và khối ASEAN là ba thị trường/khối thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu chiếm lần lượt là 13,1%, 12,1% và 12%. 

Tuy nhiên, nhập khẩu của Việt Nam từ cả 3 thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2020 đều được ước tính sẽ giảm so với cùng năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu từ  Mỹ ước giảm 1,4%, Trung Quốc giảm 12% và ASEAN giảm 20,9%. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam đang chịu những tác động lên xuống trái chiều. 

Thị trường bán lẻ tại các nước như Mỹ mặc dù được nhận định tăng trong tháng 5/2020, vượt xa dự báo nhưng những dấu hiệu phục hồi trở lại của nền kinh tế nước này còn chưa chắc chắn do tăng trưởng của việc làm và sản lượng vẫn ở mức rất thấp so với thời trước đại dịch. 

Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm trong tháng 5/2020, đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp, đây được coi là diễn biến tất yếu do tiêu dùng nội địa của nước này phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch, trong khi đó tình trạng thất nghiệp tăng cộng thêm lo ngại đợt bùng phát dịch bệnh mới. 

Ở diễn biến khác, các nước Châu Âu từ đầu tháng 5/2020 đang dần nới lỏng các biện pháp phong toả, tái khởi động lại nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, ngày 8/6, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua. 

Hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/8 mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường này. 

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức mới về những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nông sản. 

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.