Xuất khẩu tăng trưởng khả quan, doanh nghiệp gỗ đang sống tốt giữa đại dịch?

Trong khi ngành gỗ ghi nhận sự lạc quan đáng kể trong nửa đầu năm nay thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác lại gặp khó khăn tại các thị trường xuất khẩu do đơn hàng sụt giảm, hoãn hoặc hủy do tác động dịch Covid-19.

Bức tranh ngành gỗ 6 tháng đầu năm

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương cho biết 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,98 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kì năm 2019; trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,55 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kì năm 2019.

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, 5 thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU-27 vẫn duy trì tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2020. 

Đây được xem là kết quả khả quan đối với một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Điều này cũng được thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Khảo sát một số doanh nghiệp, điển hình như CTCP Tập đoàn Kĩ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho biết doanh thu thuần quí II/2020 của công ty đạt trên 370 tỉ đồng, gấp gần 3,7 lần so với cùng kì năm trước là 101 tỉ đồng. 

Lãi ròng của công ty đạt 18,9 tỉ đồng. Đây là quí thứ hai liên tiếp công ty có lợi nhuận sau 2 năm liên tục lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu 2020, TTF đạt doanh thu thuần gần 626 tỉ đồng, gấp đôi cùng kì năm 2019. Lãi sau thuế hơn 11,2 tỉ đồng sau nửa đầu năm. 

Kết quả kinh doanh của Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) cũng khả quan khi 6 tháng đầu năm, doanh thu của GDT đạt hơn 171,3 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kì. 

Riêng trong quí II, doanh thu thuần của GDT tăng trưởng nhẹ so với cùng kì năm trước, đạt hơn 88 tỉ đồng. 

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan, doanh nghiệp gỗ đang sống tốt giữa đại dịch? - Ảnh 1.

Doanh thu quí II/2020 của một số doanh nghiệp so với cùng kì năm ngoái. (ĐVT: tỉ đồng). Nguồn: BCTC quí II của TTF, GDT, PTB, OTC, GTA. Đồ họa: P.D

Tuy nhiên, thực tế cũng giống như nhiều ngành hàng xuất khẩu là dệt may, da giày, hoạt động xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp chịu tác động phần nào vì dịch Covid-19 bùng phát tại các thị trường tiêu thụ.

Theo đại diện GDT, mặc dù doanh thu có phần tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế quí II/2020 giảm so với cùng kì năm trước. 

Nguyên nhân do dông ty phải giảm giá bán để chia sẻ khó khăn với khách hàng khi dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài ra, trong thời gian này, công ty cũng đã nghỉ giãn các xã hội nửa đầu tháng 4 nên phải gánh chịu các chi phí cố định và hỗ trợ cho cán bộ, công nhân viên.

Khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng là lí do khiến lợi nhuận sau thuế quí II của CTCP Gỗ An Cường (Mã: OTC) giảm 19,4 tỉ đồng, 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2020 doanh thu thuần của công ty đạt 886 tỉ đồng, giảm 18,5% so với cùng kì. Lợi nhuận gộp kì này giảm 20% và ở mức 214 tỉ đồng. 

Nhiều khoản chi phí đã được Gỗ An Cường tiết giảm như chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp giảm lần lượt 16,4% và 8,6%. 

Chi phí tài chính cũng giảm 37,5% xuống 3,3 tỉ đồng. Qui mô nhân sự đã thu hẹp đáng kể trong 6 tháng qua. Số lượng cán bộ nhân viên đã giảm 18,3% so với đầu năm, từ 3.642 người xuống 2.974 người.

Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng đạt 1.615 tỉ đồng, giảm 15,7% so với cùng năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 23% xuống 166 tỉ đồng.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan, doanh nghiệp gỗ đang sống tốt giữa đại dịch? - Ảnh 2.

Lợi nhuận quí II/2020 của một số doanh nghiệp so với cùng kì năm ngoái. (ĐVT: tỉ đồng). Nguồn: BCTC quí II của TTF, GDT, PTB, OTC, GTA. Đồ họa: P.D

Tương tự, theo báo cáo tài chính quí II, Phú Tài (Mã: PTB) ghi nhận doanh thu đạt 1.349 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kì 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 88,4 tỉ đồng, giảm 19,6%.

Luỹ kế 6 tháng, Phú Tài đạt doanh thu 2.562,5 tỉ đồng, giảm 0,5% so với cùng kì. Trong đó, doanh thu các sản phẩm gỗ vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 1.300 tỉ đồng, tăng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2019. 

Hay CTCP Chế biến Gỗ Thuận An (Mã: GTA) cũng sụt giảm doanh thu thuần quí II khi chỉ đạt hơn 93 tỉ đồng, giảm đến 57,8% so với cùng kì năm ngoái là gần 220,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,706 tỉ đồng, giảm đến 68,7% so với quí II của năm 2019.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh thu GTA chỉ đạt hơn 253 tỉ đồng, giảm 37% so với cùng kì là hơn 401,1 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 36,8% ở mức gần 16 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 6,39 tỉ đồng, giảm 37% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Kì vọng nào cho 6 tháng cuối năm?

Năm 2020, Gỗ Trường Thành lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách hàng quốc tế và bán lẻ. Công ty cũng kì vọng bên cạnh xuất khẩu gỗ còn tìm cách chuyển mình sang nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước.

Tuy nhiên kế hoạch này đang bị làm khó bởi sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, mà theo đó, Ban lãnh đạo công ty đã nhìn nhận tại cuộc họp thường niên cuối tháng 4 vừa qua.

"Các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam gồm Mỹ, Italy, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ.

Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã kí, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch. Dự kiến đơn hàng mới sẽ kí chậm chậm từ 3 – 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang", ban lãnh đạo TTF cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng: "Khó để dự đoán tình hình hoạt động của ngành hàng trong những tháng tiếp theo khi dịch bệnh tại Việt Nam tưởng đã tốt nhưng hiện tại nó đang có thể tái trở lại".

Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, người tiêu dùng tại các thị trường châu Âu, Mỹ ở nhà nhiều hơn nên họ có nhiều thời gian trang trí lại nhà cửa, sắm sửa đồ dùng nội thất.

"Do đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu tốt các sản phẩm phù hợp và đến thời điểm nãy vẫn có đủ đơn hàng thực hiện trong những tháng tiếp theo".

Doanh thu tăng ấn tượng, doanh nghiệp gỗ đang sống tốt giữa đại dịch? - Ảnh 3.

Trong nửa năm còn lại và một thời gian nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh: P.D)

Đây cũng là tín hiệu lạc quan của GDT khi tin rằng kết quả kinh doanh quí III/2020 sẽ lạc quan hơn do tình hình nhận đơn hàng của công ty khá tốt, đặc biệt, có lúc GDT nhận đơn hàng trị giá hơn 700.000 USD chỉ trong 1 tuần khi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tính đến ngày 30/7, GDT đã nhận được đơn hàng với tổng giá trị gần 10 triệu USD, đạt 72% kế hoạch cả năm 2020. 

Đây là một trong những lí do khiến doanh nghiệp này giữ kế hoạch năm 2020 tăng trưởng 15% so với năm 2019, không điều chỉnh giảm như các doanh nghiệp khác.

Đáng chú ý, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8 được xem là "cửa sáng đến đúng lúc" của ngành gỗ giữa bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Theo đó, các doanh nghiệp kì vọng đây sẽ là một động lực mới duy trì tăng trưởng dương vào những tháng cuối năm; trong đó sẽ đón đợt kích cầu tốt từ thị trường thương mại EU để ngành gỗ tỉ đô tiếp tục tăng trưởng mạnh. 

Cụ thể, EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất 2,7% - 5,6% sẽ về 0 ngay hoặc về 0 trong vòng 5 năm như mặt hàng gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%. 

"EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản,… 

Nhờ đó doanh nghiệp Việt có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn", ông Phương nhận định.

Tổng cục Lâm nghiệp và các Hiệp hội dự báo rằng trong quí III/2020, tổng giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,12 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kì năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quí II/2020. 

Đặc biệt, quí IV/2020 được dự báo sẽ là thời điểm đạt tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kì năm 2019.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.