Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc phục hồi

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc đã phục hồi trong quí II/2020, tăng 13,5% so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 226,7 triệu USD, giảm 2,9%. Quí I/2020, Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ dịch COVID-19. Quí II/2020, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn. 

Các gián đoạn về chuỗi nguồn cung được khắc phục, nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm cũng tốt hơn.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm sú chiếm 32,7%, tôm chân trắng chiếm 39,1%, còn lại là tôm biển. 

Xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đều giảm, chỉ có tôm biển tăng 137%, đặc biệt tôm biển khô tăng 1.812%.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 339.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh, trị giá 1,98 tỷ USD. 

Nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 36% so với tháng 5 đạt 75.000 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Giá trị nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh đạt 420 triệu USD, tăng 34% so với tháng 5.

Ecuador, nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 2/3 lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6) xuất khẩu sang Trung Quốc 50.000 tấn tôm, tăng 72% so với tháng 5. 

Ấn Độ, nguồn cung lớn thứ hai của Trung Quốc, cung cấp 14.500 tấn tôm cho Trung Quốc trong tháng 6 năm nay, tương đương lượng xuất trong tháng 5. Thái Lan, Việt Nam và Argentina là các nguồn cung tôm lớn tiếp theo cho Trung Quốc, mỗi nước cung cấp khoảng 2.400-2.500 tấn.

Đầu tháng 7, Ecuador gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu tôm sang Trung Quốc do 3 công ty xuất khẩu tôm lớn của nước này bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc vì phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. 

Cũng trong đầu tháng 7, một số lô tôm xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc bị chậm thông quan, cộng với xung đột căng thẳng tại đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. 

Dự kiến, xuất khẩu tôm từ 2 nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc là Ecuador và Ấn Độ sang Trung Quốc sẽ giảm trong quí III năm nay.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong quí III năm nay, để bù đắp nguồn cung giảm từ Ecuador và Ấn Độ.

Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc năm nay dự kiến giảm do dịch bệnh trên tôm, nhập khẩu tôm nước lạnh của Trung Quốc cũng có xu hướng giảm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quí II năm nay đã tốt hơn và được dự báo sẽ không giảm trong cả năm nay. 

Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự báo sẽ không giảm. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 7% trong năm 2020.

Các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng cần lưu ý khả năng Trung Quốc sẽ kiểm tra khắt khe hơn về dịch bệnh trong tôm xuất khẩu từ Việt Nam, có thể không chỉ kiểm tra tôm sống và các dạng sản phẩm khác như ướp lạnh, đông lạnh. 

Vì vậy, VASEP cho rằng ngành tôm Việt Nam cần chủ động trong việc kiểm soát, quan trắc dịch bệnh (chú trọng môi trường ao nuôi, con giống, dinh dưỡng…), đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong sản phẩm xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác.

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...