Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến ngày 15/7, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn, trị giá 1,8 tỉ USD tăng 0,6% về lượng và 13,5% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2020 ước đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 194 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm, Philippineses đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 với 36,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,4 triệu tấn và 634,3 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là: Senegal gấp 19,6 lần đạt 41.100 tấn, Indonesia gấp 2,8 lần đạt 45.200 tấn và Trung Quốc tăng gần 89% đạt 457.600 tấn.Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq giảm 47,6%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2020 đạt 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kì năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,1% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 18,7%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,4%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines với 423,2 triệu USD, chiếm 57,7%, Malaysia với 95,3 triệu USD, chiếm 13% và Cuba với 42,2 triệu USD, chiếm 5,7%.
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines với 246,9 triệu USD, chiếm 35%, Ghana với 107,3 triệu USD, chiếm 15,2% và Bờ Biển Ngà với 73,9 triệu USD, chiếm 10,5%.
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc với 259,2 triệu USD, chiếm 73,7%, Philippines với 25,5 triệu USD, chiếm 7,2% và Malaysia với 23,6 triệu USD, chiếm 6,7%.
Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati với 20,5 triệu USD, chiếm 24,9%, Đảo quốc Solomon với 12,2 triệu USD, chiếm 14,8%, và Philippines với 6,7 triệu USD, chiếm 8,2%.