Thiết kế nội thất luôn bị ảnh hưởng bởi sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, và phong cách nội thất Japandi cũng không ngoại lệ. Phong trào thiết kế này đã bắt đầu bùng nổ vào năm 2016 và hiện đang rất được giới nội thất ưa chuộng. Đây được xem là sự pha trộn giữa các phương pháp thiết kế lâu đời của Nhật Bản và phong cách Scandinavia, khi cả hai đều đề cao sự đơn giản và các yếu tố tự nhiên trong không gian sống, theo trang Apartment Therapy.
Về cơ bản, phong cách Japandi kết hợp nguyên tắc Wabi-Sabi của Nhật Bản (triết lý đánh giá cao vẻ đẹp trong những khiếm khuyết tự nhiên) với khái niệm hygge (cảm giác mãn nguyện ấm cúng) của Đan Mạch. Trong vài năm gần đây, khi mà nhiều người dành nhiều thời gian ở nhà hơn, thì cũng là lúc những khái niệm về sự thoải mái và đơn giản trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Japandi không chỉ về thiết kế, mà còn là phong cách sống. Nhà thiết kế Shanty Wijaya của Allprace, người đã thiết kế các dự án theo phong cách này, cho biết: “Sử dụng phong cách này đồng nghĩa với việc nhận ra, chấp nhận và thừa nhận sự không hoàn hảo trong cuộc sống. Nó giúp chúng ta tìm thấy vẻ đẹp trong những khiếm khuyết, hình thành mối liên hệ sâu sắc với trái đất và thiên nhiên, giúp tận hưởng những thú vui đơn giản của cuộc sống”.
Được xác định bằng bảng màu trung tính và sử dụng các vật liệu tự nhiên, Japandi tập trung vào các ý tưởng về tính bền vững và sự khéo léo kết hợp tất cả các yếu tố. Cô Wijaya nói: “Japandi là một phong trào Đông - Tây gặp gỡ. Ở đó, 6 nguyên tắc chính của Wabi-Sabi được thể hiện rất rõ, gồm: Kanso (đơn giản), Fukinsei (không đối xứng), Shibumi (đẹp trong sáng), Shizen (tự nhiên), Yugen (duyên dáng tinh tế) và Datsuzoku (tự do).
Để thể hiện những nguyên tắc nêu trên, các yếu tố định hình nên phong cách nội thất Japandi cho nhà ở gồm:
- Vật liệu tự nhiên bền vững như tre, mây, đá và da
- Bảng màu dịu nhẹ được tạo thành từ các màu trắng nhạt, màu trung tính ấm và màu xanh lá nhạt
- Nội thất ngăn nắp, gọn gàng
- Ánh sáng tự nhiên và dịu nhẹ, tạo ra một môi trường thư thái, dễ chịu
- Sự tương phản của các điểm nhấn sáng và tối
- Không gian trong nhà và ngoài trời được kết nối
Chính vì vậy, nếu muốn thiết kế nhà ở theo phong cách đặc biệt này, bạn có thể tham khảo một số ý tưởng sau:
- Sơn tường màu kem, màu be hoặc màu phấn nhẹ nhàng để tạo không gian nhẹ nhàng, êm dịu
- Mang cây xanh vào nhà để tạo cảm giác tự nhiên, có sức sống
- Chọn chất liệu vải hữu cơ có hoa văn tinh tế như bộ khăn trải giường bằng vải lanh sọc
- Kết hợp các vật dụng có điểm nhấn màu tối hơn để tạo ra một cái nhìn tương phản cao với các bức tường và đồ nội thất sáng màu
- Kết hợp các vật liệu tự nhiên như mây và tre với các thiết bị chiếu sáng bằng giấy điêu khắc nổi bật
- Tránh tạo cảm giác lộn xộn bằng cách lưu trữ những thứ không cần thiết ở khuất tầm nhìn
- Chọn đồ nội thất cổ điển hoặc đồ tái chế nếu có thể, lưu ý đến tính bền vững
Tuy có những điểm giống nhau, thế nhưng phong cách Japandi với phong cách Minimalism (chủ nghĩa tối giản) và phong cách Scandinavian (Bắc Âu) lại có những điểm nhấn riêng biệt, cụ thể như sau:
Phong cách Japandi rất đơn giản, nhưng nó khác xa với phong cách Minimalism trong cả lý thuyết lẫn thực hành. Các thiết kế Minimalism thường hướng đến chức năng của các vật dụng nội thất và chúng được lựa chọn dựa trên mức độ thiết yếu trong sinh hoạt. Tuy cũng có xu hướng sử dụng bảng màu trung tính, song phong cách Minimalism lại không chuộng nhiều đồ trang trí và không có chỗ cho sự khiếm khuyết trong một thiết kế hoàn toàn tối giản.
Chủ nghĩa tối giản Minimalism thường hướng đến sự mát mẻ, bóng bẩy và nghiêm ngặt. Ngược lại, phong cách Japandi hướng đến việc tìm kiếm vẻ đẹp lạ thường và đánh giá cao sự khéo léo trong quá trình kết hợp. Nhà thiết kế Jarret Yoshida của Jarret Yoshida Inc. nhấn mạnh tầm quan trọng của những khác biệt này. Ông cho biết, Yakisugi - một phương pháp đốt và bảo quản gỗ truyền thống của Nhật Bản, là một ví dụ tuyệt vời cho nguyên tắc thủ công không hoàn hảo này. Ông nói: “Những bề mặt này mang màu sắc trung tính và tự nhiên, biến không gian trông giống như một phòng trưng bày lạnh lẽo trở thành một ngôi nhà thực sự chứa đựng những điều hấp dẫn và thư thái”.
Thiết kế Scandinavia đã nổi tiếng từ những năm 1940 và bị ảnh hưởng đáng kể bởi phong trào hiện đại vào giữa thế kỷ. Kể từ đó, phong cách Scandinavian ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhờ vào xu hướng tổng thể của giới thiết kế hướng tới sự đơn giản và bền vững trong những năm 1990 và 2000.
Cũng như phong cách Japandi, thiết kế Scandinavian tập trung vào chức năng của đồ nội thất, những đường nét sạch sẽ, gãy gọn và việc mang thiên nhiên vào không gian sống. Tuy nhiên, một điểm tương phản đáng chú ý giữa hai phong cách thiết kế đó là màu sắc. Trong khi thiết kế Japandi có xu hướng sử dụng các bảng màu đơn sắc, thì thiết kế Scandinavian sử dụng các gam màu nhẹ nhàng như xanh lam nhạt, hồng nhạt và xanh lá để làm bừng sáng không gian. Đồng thời, thiết kế Scandinavian cũng có phần giản dị hơn một chút khi có thể sử dụng những cánh cửa gỗ chưa hoàn thiện trong thiết kế của mình.