Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công ba dự án giao thông cửa ngõ TP Hồ Chí Minh

Hiện có 3 dự án giao thông trọng điểm của thành phố khởi công cuối năm 2022 nhưng vẫn thi công cầm chừng. Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) khẩn trương thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Cả 3 dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 12/2022 nhằm giảm ùn tắc các cửa ngõ thành phố, tăng kết nối liên vùng. Các dự án này cũng vừa được UBND TP Hồ Chí Minh đưa vào danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố năm 2023.

Cụ thể, dự án nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về ùn tắc giao thông ở khu vực phía Đông. Dự án đầu tư xây dựng một nút giao thông khác mức hoàn chỉnh ba tầng tại khu vực nút giao đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ.

 Nút giao thông An Phú. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng, kết nối trực tiếp với Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng và kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực sân bay, đặc biệt khi Nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm được đưa vào hoạt động cuối năm 2024.

Trong khi đó, dự án mở rộng Quốc lộ 50 được đầu tư với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, hướng tới tăng cường năng lực khai thác tuyến Quốc lộ 50, liên kết TP Hồ Chí Minh với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam TP Hồ Chí Minh với cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3 trong thời gian tới.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, các dự án này rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tổ chức giao thông, có sử dụng nguồn lực Trung ương. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các công trình đang thi công mang tính cầm chừng, chưa triển khai đồng bộ, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ dự án, tạo dư luận không tốt. Trước đó, Sở cũng đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ban Giao thông chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành dự án đúng tiến độ. Về hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán đối với các gói thầu còn lại thuộc 3 dự án chưa được thẩm định, phê duyệt, Ban Giao thông khẩn trương trình thẩm định trong tháng 3, hoàn tất các thủ tục để thi công trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Ban Giao thông lập kế hoạch thi công xây dựng chi tiết từng dự án, thể hiện đầy đủ các hạng mục công việc, có dự phòng thời gian thực hiện, giải pháp đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, quản lý chất lượng công trình, báo cáo UBND thành phố, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan để theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm tình hình thực hiện định kỳ hàng tháng.

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 28/2, tổng số vốn giải ngân của TP Hồ Chí Minh là 369 tỷ đồng, chỉ đạt 1% so với kế hoạch vốn đã được UBND thành phố giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương; đạt 0,52% so với tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

UBND TP Hồ Chí Minh giao các sở ngành, địa phương, đặc biệt là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn trương thực hiện, hoàn thành, báo cáo và đề xuất đúng thời gian yêu cầu nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với nhau để tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 phải đạt từ 95% trở lên.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.