10 doanh nghiệp giá trị nhất trên thị trường chứng khoán: Vietcombank vượt Vingroup, Hòa Phát lần đầu góp mặt

Trong top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam có sự góp mặt của nhiều cái tên quen thuộc như Vinamilk, BIDV, Sabeco... Đáng chú ý, Vietcombank đã vượt qua Vingroup để trở thành doanh nghiệp đứng đầu danh sách này, với quy mô vốn hóa hơn 370.000 tỷ đồng.

Giá trị vốn hóa, căn cứ theo lượng cổ phiếu lưu hành và thị giá cổ phiếu, là chỉ tiêu đánh giá một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Theo bảng xếp hạng của TradingView, tính đến hết phiên giao dịch ngày 16/12, 10 doanh nghiệp giá trị nhất trên sàn chứng khoán có tổng vốn hóa hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 91 tỷ USD, tăng hơn 3 tỷ USD so với năm 2019. 

Trong top 10 có nhiều cái tên quen thuộc nhưng vị trí đã có xáo trộn do thay đổi giá cổ phiếu trong năm.  

10 doanh nghiệp giá trị nhất trên thị trường chứng khoán: Vietcombank vượt Vingroup, Hòa Phát lần đầu góp mặt - Ảnh 1.

10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán. (Nguồn Nhật Minh tổng hợp từ TradingView).

Doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán gọi tên Vietcombank, với giá cổ phiếu VCB áp sát mốc 100.000 đồng/cp tính đến hết phiên giao dịch chiều ngày 16/12. Quy mô vốn vốn hóa của doanh nghiệp đạt 370.517 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 10% tổng vốn hóa toàn sàn HOSE. 

Con số này giúp Vietcombank vượt trên Vingroup, doanh nghiệp có giá trị nhất trên sàn chứng khoán hai năm liên tiếp là 2019 và 2018. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu vốn hóa hơn 368.347 tỷ đồng, với cổ phiếu VIC ở mốc 107.000 đồng/cp, nhỉnh hơn Vietcombank.

Sự bứt tốc về vốn hóa Vietcombank đến từ đà tăng giá mạnh của cổ phiếu ngân hàng này trong thời gian gần đây. Tính từ cuối tháng 10 tới nay, thị giá VCB đã tăng khoảng 20%, mạnh hơn mức tăng của chỉ số Vn-Index (15%).

Cổ phiếu VCB được quan tâm bởi vị thế là nhà băng có vốn hóa cao nhất trong nhóm này trên sàn chứng khoán. Trong ngành ngân hàng, giá trị vốn hóa của Vietcombank bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là BIDV và VietinBank khi gấp lần lượt 2 lần và 2,8 lần.

Theo sau Vietcombank, Vingroup là Vinhomes, Vinamilk và BIDV. Ba doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ nguyên vị trí thứ 3, 4, và 5 trong top 10 so với năm 2019. 

Ở nửa dưới của bảng xếp hạng, PV GAS, VietinBank và Sabeco là những doanh nghiệp đã góp mặt trong top 10 từ 2019. VietinBank tăng lên 3 bậc, từ thứ 10 lên 7, đạt hơn 131.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa. 

Sabeco theo sau ở vị trí thứ 8, tuy nhiên cổ phiếu SAB của doanh nghiệp này lại trở thành hiện tượng khi ở mức cao nhất trong top 10, với 199.100 đồng/cp, gấp đôi người đứng đầu là Vietcombank.

Theo Nhà đầu tư, thông tin thoái 36% vốn tại Sabeco là yếu tố kích hoạt dòng tiền chảy vào mã SAB kể từ đầu tháng 7.

Thị giá SAB tăng không đến từ kỳ vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà kỳ vọng từ việc nhóm cổ đông Vietnam Beverage sẽ tham gia mua nốt 36% cổ phiếu SAB tới đây. Ðà tăng cũng được hỗ trợ trong bối cảnh thị trường thuận lợi, dòng tiền dễ dãi đi tìm những cổ phiếu có câu chuyện riêng để đầu tư.

Sở hữu quy mô vốn hóa hơn 130.000 tỷ đồng, Hòa Phát lần đầu tiên xuất hiện trong top 10. Theo tin từ Tập đoàn Hòa Phát (HPG), sau 11 tháng, doanh nghiệp sản xuất gần 5,2 triệu tấn thép thô, gấp đôi so với cùng kì năm 2019.  

Lợi nhuận sau thuế quý III/2020 tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái. HSC cho rằng lợi nhuận hợp nhất của Hòa Phát trong quí IV sẽ tăng trưởng ít nhất 90% so với cùng kì năm 2019.

Sức sinh lời cực kỳ ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 làm cho cổ phiếu HPG và quy mô vốn hóa của doanh nghiệp cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Điều này giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, đứng vị trí người giàu thứ ba sàn chứng khoán.

Masan quay trở lại và đứng ở vị trí cuối cùng trong top 10. Doanh nghiệp này từng bật ra khỏi top 10 trong năm 2019 do liên quan đến thương vụ mua lại chuỗi Vinmart của Vingroup, khiến cổ phiếu MSN sụt giảm và vốn hóa bốc hơn gần 1 tỷ USD. 

Tuy nhiên năm nay nhờ các thương vụ mua bán và sáp nhập, đồng thời cơ cấu lại công ty đã khiến tình hình kinh doanh của Masan dần ổn định và đi vào quỹ đạo.


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.