Có thể kể tên những vị doanh nhân tuổi Tý quyền lực nhất Việt Nam như doanh nhân Đặng Văn Thành, Trần Bá Dương, Dương Công Minh, Nguyễn Thị Như Loan, Trần Kim Thành,… Đó đa phần là những doanh nhân thế hệ đầu tiên xây dựng doanh nghiệp ngay khi đất nước vừa mở cửa, đóng góp không nhỏ vào sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam suốt gần 4 thập niên qua.
Một trong những doanh nhân đại diện cho thế hệ doanh nhân lớp đầu tiên xây dựng và phát triển doanh nghiệp khi đất nước vừa mở cửa là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn mía đường Thành Thành Công (TTC). Doanh nhân Đặng Văn Thanh sinh năm Canh Tý - 1960. Không chỉ có Thành Thành Công anh cả của ngành mía đường Việt Nam, ông Thành cũng là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng Ngân hàng Sacombank.
Sau khi xây dựng Sacombank trở thành một trong những ngân hàng TMCP với vị trí "chắc" trong top đầu của ngành, ông Thành quay về với Thành Thành Công, tập trung cùng vợ và 2 người con phát triển tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực chính là bất động sản, năng lượng, nông nghiệp và du lịch.
TTC của ông Đặng Văn Thành mỗi năm sản xuất khoảng 1,6-1,7 triệu tấn đường, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 1,5 triệu tấn, xuất khoảng 200.000 tấn.
Sau 40 năm xây dựng và phát triển, vốn điều lệ của TTC hiện đạt 18.104 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 21.023 tỉ đồng. Tổng tài sản đạt 56.537 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 1.440 tỉ đồng.
“Đừng tự ti làm việc nhỏ hay lớn, mà quan trọng là làm tốt hay không tốt. Nhỏ thì cứ làm thật tốt để tìm cơ hội phát triển lên. Đừng tự ti làm nhỏ rồi không làm thì mất cơ hội. Không ai lớn hay trưởng thành ngay khi vừa được đẻ ra”, vua mía đường quan niệm.
Ông Trần Bá Dương sinh năm Canh Tý (1960) - Chủ tịch ôtô Trường Hải (Thaco), cũng là doanh nhân thế hệ đầu tiên và cũng rất thành công trên các lĩnh vực kinh doanh. Năm 2018, ông Dương chính thức góp mặt trong danh sách tỉ phú USD của Forbes, với khối tài sản ròng trị giá 1,7 tỉ USD và xếp thứ 3 trong các tỉ phú Việt Nam sau ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet.
Theo hồ sơ của Forbes, đến năm 2016, Trường Hải Thaco đã trở thành công ty ô tô lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm 32%.
Gần đây, ông Trần Bá Dương nổi tiếng với vai trò "giải cứu đại gia", khi hợp tác đầu tư với doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và vua cá tra Dương Ngọc Minh.
Ngày 9/1/2020, thành viên của Thaco là Công ty cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Đông Dương (Thadi) đã kí hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG).
Theo thoả thuận, Thadi đầu tư vào HVG thông qua việc sở hữu 35% cổ phần, và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc tài chính và các chuyên gia phụ trách kĩ thuật, bán hàng.
Thadi nắm 65% liên doanh Thadi – HVG trong mảng sản xuất heo giống, với quy mô 45.000 con, trị giá đầu tư 2.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ đầu tư chăn nuôi heo thịt với quy mô 1,2 triệu con một năm, để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ông Trần Bá Dương nhẩm tính nếu cộng cả kế hoạch Thadi và HAGL Agrico (công ty kí hợp tác với Thaco vào cuối năm 2018), thì tổng doanh thu của ba công ty lên đến 1,55 tỉ USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu nông nghiệp cả nước.
Thương vụ đầu tiên ghi dấu chuyện giải cứu đại gia của ông Trần Bá Dương bắt đầu vào năm 2018, khi ông chủ Thaco chi hơn 2.000 tỉ đồng đầu tư vào Hoang Anh Gia Lai của bầu Đức. Sau một năm đầu tư, tỉ phú Trần Bá Dương đưa ra ước tính doanh thu sẽ đạt được trong năm 2020 tại công ty nông nghiệp của bầu Đức khoảng 400 triệu USD.
Năm 2019, dấu ấn của Thaco thể hiện rõ nhất là thành lập Thadi và liên tiếp các vụ nhận chuyển nhượng doanh nghiệp của bầu Đức.
Giữa tháng 6/2019, khi vừa tròn 3 tháng thành lập, Thadi nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Hoàng Anh Gia Lai Agrico tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương. Thương vụ này cũng bắt đầu cho một loạt thương vụ Thadi mua đứt các công ty con khác của công ty nông nghiệp bầu Đức.
2 tháng sau, Thadi tiếp tục nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Đông Pênh của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Tháng 9/2019, Cao su Trung Nguyên được thành lập năm 2008 của Hoàng Anh Gia Lai Agrico cũng chính thức về tay Thadi.
Hiện Thadi đang quản lí tổng diện tích 29.600 ha đất nông nghiệp được nhượng lại từ công ty của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Trong đó, công ty đã và đang triển khai trồng cây ăn trái trên diện tích 10.000 ha, gồm 5.000 ha chuối và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt.
Đồng thời, Thadi cũng chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của công ty bầu Đức với diện tích cây ăn trái 26.500 ha, trong đó, diện tích chuối chiếm 41,5%, tương đương 11.000 ha.
Theo chiến lược đề ra, trong thời gian tới Thaco sẽ trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành trong đó lấy cơ khí và ô tô là chủ lực và phát triển các ngành sản xuất kinh doanh khác như: nông nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và khu công nghiệp, logistics và thương mại - dịch vụ,...
Đây có thể coi là bước ngoặt phát triển mới của Thaco nói chung và của ông Trần Bá Dương nói riêng, sau 15 năm đầu tư vào Chu Lai.
Ông Dương Công Minh hay còn gọi thân mật là Minh Him Lam sinh ngày 5/10/1960 - Canh Tý, tại Bắc Ninh. Ông Minh là cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đồng thời là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, và hiện nay đang là Chủ tịch Ngân hàng Sacombank.
Ông Minh tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch. Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lí các doanh nghiệp quân đội.
Khởi nghiệp, Chủ tịch Sacombank từng kinh doanh xoài đầu những năm 1990, do vậy ông có biệt danh "Minh Xoài". Sau đó, ông bước vào lĩnh vực bất động sản và gây dựng nên Him Lam Group - một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam hiện nay. Từ đây ông có tên là “Minh Him Lam”.
Him Lam của ông Minh là một ông lớn trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác.
Trước khi về Sacombank, trong lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”.
Đến năm 2008, vị doanh nhân 60 tuổi tham gia thành lập LienVietPostBank. Sau 10 năm điều hành, vào giữa năm 2017, ông bất ngờ từ nhiệm chức danh Chủ tịch LienVietPostBank, và ngồi vào ghế nóng Chủ tịch Sacombank, để làm nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng này.
Sau 3 năm, dưới sự lèo lái của doanh nhân tuổi Canh Tý Dương Công Minh, tỉ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm xuống dưới 2%.
Không những tỉ lệ nợ xấu giảm, Sacombank dưới thời Dương Công Minh cũng đã liên tiếp đạt được những đỉnh cao mới.
Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank đạt 3.217 tỉ đồng. Ngân hàng này có tổng tài sản đạt gần 453.600 tỉ đồng.
Sacombank duy trì được hệ khách hàng gần 6 triệu cá nhân và doanh nghiệp; mạng lưới với 570 điểm giao dịch tại 52 tỉnh thành Việt Nam cùng hai nước Lào, Campuchia. Đặc biệt, Sacombank đã ứng dụng Basel II vào hoạt động từ ngày 1/1/2020.
Hiện giá trị tài sản của ông Dương Công Minh ước đạt khoảng gần 630 tỉ đồng.
Ông Trần Kim Thành cũng thuộc doanh nhân thế hệ đầu, sinh năm Canh Tý - 1960. Hiện ông là Chủ tịch CTCP Tập đoàn Kido.
Ông Trần Kim Thành được giới kinh doanh ưu ái nhắc đến với cái tên “vua M&A”, ông cùng Kido đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) như Golden Hope Nhà Bè, Dầu Tường An…
Kido (tiền thân là Tập đoàn Kinh Đô), sau khi bán mảng kinh doanh bánh kẹo - nổi tiếng với bánh trung thu Kinh Đô - cho đối tác ngoại, hiện tập đoàn này đang tập trung kinh doanh tại các sản phẩm kem, dầu thực vật.
Cụ thể vào năm 2014, doanh nghiệp của anh em ông Trần Kim Thành đã quyết định bán 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International, với mức giá 370 triệu USD. Sau đó 2 năm, ông Thanh tiếp tục bán nốt 20% cổ phần còn lại, chính thức rút lui hoàn toàn khỏi mảng bánh kẹo ở thị trường trong nước.
"Việc bán mảng bánh kẹo chỉ như bán trái cam, trái táo chín trên cây có nhiều trái. Mất trái đó, chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho các bộ phận khác của công ty", ông Thành chia sẻ.
Kinh Đô, hiện nay là KIDO - do cặp anh em doanh nhân gốc Hoa là ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên sáng lập. Hiện ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị còn ông Nguyên là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc. Bà Vương Bửu Linh - vợ ông Trần Kim Thành cùng bà Vương Ngọc Xiêm - vợ ông Trần Lệ Nguyên, cũng đều giữ vai trò Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Kido.
Hiện nay Kido của đại gia Trần Kim Thành đã tham gia sâu vào lĩnh vực bán sáp nhập (M&A). Vào năm 2017, Kido đã hoàn thành việc sở hữu 51% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex và thành công trong việc xây dựng một doanh nghiệp nhà nước trở thành doanh nghiệp cổ phần phát triển.
Thương vụ này giúp KIDO trở thanh một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn Việt Nam, khi có trong tay quyền chi phối, hoặc quyền kiểm soát các công ty lớn ở thị trường dầu ăn. Bởi Vocarimex là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, có hệ thống các công ty con và công ty liên kết chiếm thị phần lớn trong ngành như Công ty cổ phần Dầu ăn Tường An (TAC), Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè và Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình.
Sau một thời gian tái cơ cấu và thực hiện các hoạt động M&A, doanh nghiệp này đang chiếm lĩnh và dẫn đầu ngành dầu và kem.
Hiện ước tính khối tài sản ròng của ông Thành đạt 417 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan là một trong những doanh nhân nữ ít ỏi kinh doanh bất động sản tại thị trường Việt Nam. Mẹ của thiếu gia "Cường Đô la" sinh năm 1960, tuổi Canh Tý, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Quốc Cường Gia Lai.
Quốc Cường Gia Lai do bà Loan sáng lập vào năm 1994, có trụ sở chính tại TP Gia Lai.
Quốc Cường Gia Lai đang hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ và bất động sản, với hàng loạt các dự án kinh doanh khách sạn, chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng, thủy điện, cao su...
Năm 2011, bà Nguyễn Thị Như Loan được bình chọn là một trong số 100 người được vinh danh nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và nhận cúp Bông hồng vàng.
Bà Loan từng đứng trong top 15 người giàu nhất Việt Nam những năm đầu thập niên 2010, nhờ nắm trong tay hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn…
Nhưng sau thời kì suy thoái kinh tế 2011, Quốc Cường Gia Lai của bà Loan cũng gặp không ít trắc trở. Hàng loạt dự án không thể triển khai khiến doanh nghiệp liên tục khó khăn. Một trong những dự án khiến bà Như Loan mất ăn mất ngủ nhiều năm nay là dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè - TP HCM.
Giá trị tài sản hiện tại của bà Như Loan là 485,15 tỉ đồng.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn bất động sản Nam Long Nguyễn Xuân Quang cũng là doanh nhân tuổi Canh Tý, sinh ngày 20/5/1960 tại Bình Thuận. Ông xuất thân là một kiến trúc sư.
Tiếp tục tăng trưởng bất chấp những thách thức của thị trường bất động sản, với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2018 tăng 43% đạt mức 763 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư Nam Long đã chính thức được vinh danh “Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam 2019” trong danh sách FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2019.
Năm 2019, doanh thu Nam Long ước đạt 3.485 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 956 tỉ đồng.
Là doanh nghiệp bất động sản thành lập từ những năm 1990, Nam Long của ông Nguyễn Xuân Quang đã và đang đầu tư hàng loạt dự án với quỹ đất lớn từ TP HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng.
Hiện giá trị tài sản ròng của ông chủ Nam Long đạt khoảng 900 tỉ đồng. Nếu tính cả cổ phần tại Nam Long của những người có liên quan gồm vợ và 3 người con, với khoảng 320 tỉ đồng thì tài sản của ông Quang và gia đình tại Nam Long khoảng 1.200 tỉ đồng.
Thuộc thế hệ doanh nhân thứ 2, bà Nguyễn Bạch Điệp tuổi Nhâm Tý, sinh ngày 13/5/1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP HCM ngành Quản trị kinh doanh.
Công việc đầu tiên bà Điệp tham gia tại FPT sau khi ra trường là nhân viên bán hàng. Bà cũng trải qua nhiều vị trí tại FPT Retail, trước khi được lựa chọn trở thành CEO năm 2012, với 17 cửa hàng để đối đầu với những anh cả như Viễn Thông A hay Thế Giới Di Động.
Nữ doanh nhân kể lại thời gian nhận điều hành FPT Retail, giống như giai đoạn startup vậy. “Trước mắt tôi là bao nhiêu ngọn núi lớn – Thế Giới Di Động, Viễn Thông A đã đi trước rất nhiều năm, trong khi mình mới bắt đầu”, bà nhớ lại.
Bà Nguyễn Bạch Điệp được giới kinh doanh xem là "người đàn bà thép", có công lớn đưa FPT Retail phát triển thành nhà bán lẻ di động lớn thứ 2 thị trường, với hơn 500 cửa hàng mang thương hiệu FPT Shop.
Trong bối cảnh ngành hàng điện thoại, laptop đang tiến về điểm bão hòa, bà Điệp đang phải cùng FPT Retail tìm kiếm những mảng kinh doanh mới để duy trì tăng trưởng như đầu tư vào chuối bán lẻ dược phẩm Nhà thuốc Long Châu hay bán lẻ mỹ phẩm F.Beaty, bán đồng hồ, mắt kính…
Tổng giám đốc Novaland Bùi Xuân Huy sinh năm 1972 tuổi Nhâm Tý. Ông Huy là "dân Bách khoa" tốt nghiệp Kĩ sư xây dựng và quản lí công nghiệp, sau đó ông tham gia chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Thụy Sỹ.
CEO Novaland có đến hơn 22 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực như quản lí công trình xây dựng, tư vấn thiết kế, phát triển dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lí doanh nghiệp và quản lí dự án.
Trước khi gia nhập Tập đoàn Novaland, Ông Bùi Xuân Huy đã từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các công ty xây dựng, tư vấn thiết kế và quản lí các dự án đa quốc gia như HBP, Meinhardt, v.v…
Tại Novaland, Ông Bùi Xuân Huy đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao, là thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc điều hành Khối Triển khai Dự án và đạt nhiều thành công nổi bật trong công tác quản lí điều hành.
Ông Bùi Xuân Huy chính thức được đề bạt vào vị trí Tổng Giám đốc của Tập đoàn Novaland từ tháng 9/2017.
CEO của Novaland đang nắm giữ 36.188.670 cổ phiếu NVL (chiếm tỉ lệ 3,957%). Lần giao dịch cổ phiếu gần đây nhất của ông Huy là hồi tháng 12/2018. Khi đó ông Huy đã mua thêm 36,1 triệu cổ phiếu NVL để nâng tỉ lệ nắm giữ lên như hiện nay, tương đương 2.062 tỉ đồng tính đến ngày 20/1/2020.
Ông Lưu Đức Khánh cũng tuổi Canh Tý, sinh năm 1960 tại Hưng Yên, là thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh quốc tế - Đại học New England - Úc.
Tại Vietjet Air, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo là người được biết đến nhiều nhất. Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh là cái tên khá kín tiếng trước truyền thông, dù ông là người công bố thông tin.
Hiện tại, ông Lưu Đức Khánh nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống công ty liên quan đến bà Phương Thảo. Ông Khánh đang làm thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành và người công bố thông tin của Vietjet Air. Ngoài ra, ông còn nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, và thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sovico (SOVICO).
Nhìn vào lí lịch của ông Lưu Đức Khánh, có thể thấy vị doanh nhân tuổi Tý này sinh ra là để làm lãnh đạo.
Năm 1988, khi mới 28 tuổi, ông đã trở thành Phó Tổng Giám đốc Công ty CCL Sài Gòn (thuộc Saigon Tourist). Sau đó, ông Khánh dấn thân vào ngành ngân hàng, khi kinh qua nhiều vị trí tại Vietcombank, HSBC Việt Nam và Techcombank.
Với lượng cổ phần đang nắm giữ tại Vietjet và HDBank, ông Khánh đang có tài sản 233,5 tỉ đồng.
Chủ tịch Gelex Nguyễn Văn Tuấn thuộc lớp doanh nhân trẻ thế hệ 8X. Ông Tuấn tuổi Giáp Tý, sinh ngày 6/3/1984. Doanh nhân 36 tuổi này bất ngờ nổi lên sau thương vụ thâu tóm Tổng công ty Gelex, ngồi ghế Tổng giám đốc vào tháng 9/2016, trở thành Chủ tịch vào tháng 1/2018.
Là cử nhân tài chính ngân hàng, ông Tuấn từng làm Chủ tịch Quản lý quỹ IB, Phó Chủ tịch Chứng khoán IB. Hiện nay ông còn đảm nhận các chức vụ cao tại nhiều doanh nghiệp, như Chủ tịch Cadivi, Sowatco, Sotrans, Thibidi hay Năng lượng Gelex, Phó Chủ tịch Hạ tầng Fecon và liên doanh S.A.S – CTAMAD… Mới nhất, ông Tuấn được bầu làm Chủ tịch Tổng công ty Viglacera cuối tháng 6/2019.
Kinh doanh 07:23 | 30/01/2020
Kinh doanh 08:03 | 29/01/2020
Kinh doanh 19:29 | 26/01/2020
Kinh doanh 08:37 | 26/01/2020
Kinh doanh 18:55 | 25/01/2020
Kinh doanh 10:27 | 25/01/2020
Kinh doanh 09:43 | 25/01/2020