10.000 tỷ giải phóng mặt bằng tại Khu Kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa

Để thu hút và triển khai các dự án, KKT Vân Phong dự kiến dành 10.000 tỷ giải phóng mặt bằng khoảng 6.000 ha trong 5 năm tới, bổ sung nhiều dự án năng lượng và triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới.

10.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng

Diễn biến mới tại Khu Kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa - Ảnh 1.

Khánh Hòa cần 10.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng KTT Vân Phong trong 5 năm tới. (Ảnh: Khải An).

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án) đã phát sinh bất cập, thiếu đồng bộ trong quy hoạch rừng và quy định của Luật Lâm nghiệp, đã gây khó khăn trong việc lập quy hoạch các khu chức năng.

Cũng theo Đồ án nói trên, dự báo sơ bộ nhu cầu sử dụng đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 10.000 ha và đến năm 2040 khoảng 15.000 ha.

UBND tỉnh này cho biết, trong 5 năm tới, KKT Vân Phong sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khoảng 6.000 ha, với kinh phí dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng (kinh phí tạm tính khoảng 1,5 tỷ đồng ha).

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét, bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng của KKT Vân Phong giai đoạn 2021-2025.

Nguồn vốn được dùng nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các phân khu chức năng ngay sau khi Đồ án được Chính phủ phê duyệt.

Liên quan về vốn đầu tư công tại KTT Vân Phong, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để KTT Vân Phong thu hút các dự án, địa phương sẽ đầu từ nhiều dự án giao thông lớn.

Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.652B và ĐT.652D vốn dự kiến 876 tỷ đồng; dự án đường Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) 855 tỷ đồng; dự án đường Sơn Đừng – Khải Lương 242 tỷ đồng; dự án đường Mũi Đôi – Hòn Đầu 151 tỷ đồng; dự án đường trục chính khu tổng hợp Đầm Môn (huyện Vạn Ninh) 750 tỷ đồng.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo bổ sung vốn để tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh đầu tư hạ tầng một số dự án về giao thông.

Diễn biến mới tại Khu Kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa - Ảnh 2.

Diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong khoảng 150.000 ha. (Ảnh: Khải An).

Ngoài ra, trong văn bản ngày 30/7, UBND Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, phạm vi, ranh giới, diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong có 150.000 ha. Trong đó, diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Đồng thời, Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu bổ sung KKT Vân Phong vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên đầu tư.

Bổ sung các dự án điện khí

Diễn biến mới tại Khu Kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa - Ảnh 3.

Khánh Hòa đề xuất nhiều dự án điện khí vào quy hoạch điện quốc gia. (Ảnh: Khải An).

Tính đến tháng 5/2021, KKT Vân Phong đã thu hút được 153 dự án đầu tư (123 dự án trong nước và 30 dự án có vốn FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 1,39 tỷ USD đạt 33% vốn đăng ký.

Các dự án đa số tập trung tại khu vực phía Nam KKT Vân Phong (thuộc thị xã Ninh Hòa) với 92 dự án.

Trong đó, 56 dự án đã đi vào hoạt động; 36 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 78.680 tỷ đồng (3,57 tỷ USD), vốn thực hiện hơn 23.753 tỷ đồng (1,08 tỷ USD).

Hồi cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện khí tại khu vực nam Vân Phong vào quy hoạch điện quốc gia với tổng công suất khoảng 15.000 MW.

Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 có công suất 1.500 MW; giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 6.000MW; giai đoạn 2030 - 2040 đạt 7.500 MW.

Đây là những dự án đã có có các doanh nghiệp đăng ký đầu tư như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Millennium (Mỹ), Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Mỹ), Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung và Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty J-Power (Nhật Bản).

Khánh Hòa đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu đạt 250.000 tỷ đồng (trong đó KKT Vân Phong tối thiểu đạt 150.000, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, Khánh Hòa cũng kiến nghị bổ sung một dự án kho cảng đầu mối khí hóa lỏng (LND) với công suất khoảng 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu tại khu vực phía nam Vân Phong vào quy hoạch năng lượng quốc gia.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 là 1 triệu m3, giai đoạn 2025-2030 là 6 triệu m3, giai đoạn 2030-2040 là 6 triệu m3, giai đoạn sau 2040 là 4 triệu m3.

Theo UBND tỉnh này, nếu các dự án điện khí sớm được bổ sung vào quy hoạch sẽ là lợi thế rất lớn cho kêu gọi đầu tư; tạo động lực phát triển cho KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.

Đồng thời UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm nghiên cứu bổ sung KKT Vân Phong vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên đầu tư như đề xuất trước đó của UBND tỉnh Khánh Hòa.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.