11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giờ ra sao?

Bộ GTVT thông tin về tiến độ 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
 
11 du an thanh phan cua cao toc bac nam phia dong gio ra sao
(Ảnh minh họa: Zing.vn).

Tiến độ 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Liên quan đến Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT mới cung cấp một số thông tin.

Được biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội.

Theo Bộ GTVT, trước mắt sẽ đầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc (3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư) với tổng chiều dài 654km; tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng.

Các đoạn đường bộ cao tốc này đi qua địa phận 13 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Tính đến ngày 31/10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án, Bộ GTVT cho biết dự kiến sẽ hoàn thành cuối quý I, đầu quý II năm 2019.

Trong đó, riêng Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và triển khai cắm xong cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, đã bàn giao cho địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc.

Dự án Cam Lộ - La Sơn đang thực hiện việc lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và định vị cắm cọc ngoài thực địa. Các dự án còn lại đang trong bước đấu thầu lựa chọn tư vấn.

Về công tác thiết kế kỹ thuật, dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật Dự án Cao Bồ - Mai Sơn trong tháng 4/2019, Dự án Cam Lộ - La Sơn trong tháng 5/2019 và các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8 và tháng 9/2019.

"Riêng cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất đặc biệt thời gian thiết kế dài hơn, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2019", Bộ GTVT cho hay.

Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu khảo sát, thiết kế kĩ thuật, cắm cọc giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT cho biết đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 11/11 dự án.

Với 3 dự án đầu tư công thuộc các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã lựa chọn xong Nhà thầu Tư vấn.

Với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/8 dự án. Về cơ bản, các gói thầu/dự án đã được đánh giá xong đề xuất kĩ thuật, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 2/2019.

Duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Liên quan đến khung chính sách giải phóng mặt bằng 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo Bộ GTVT, 3 dự án gồm QL45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết do đi qua một tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng.

8/11 dự án còn lại bao gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách.

"Bộ GTVT đã có văn bản gửi các tỉnh có dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án làm việc với địa phương". Bộ GTVT thông tin.

Về việc thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng (hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) cho các dự án, hiện đã có 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các Hội đồng giải phóng mặt bằng.

Riêng Dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua 2 tỉnh là Bình Thuận và Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thông tin về dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo cuối kỳ nghiên cứu khả thi Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Được biết, Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc Hợp phần 1 của Dự án đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực giao thông vận tải sử dụng ODA không hoàn lại của Hàn Quốc (Dự án DEEP - gồm 3 hợp phần).

Dự án được bắt đầu nghiên cứu từ tháng 7/2017 theo Biên bản thỏa thuận giữa Bộ GTVT Việt Nam và KOICA ký ngày 14/6/2016.

Theo ông Kim Hyun Jeong (Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc), dự án nhằm nghiên cứu khả thi và xây dựng mô hình đầu tư đối tác công - tư (PPP) cho tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đồng thời cập nhật mức đầu tư cho nghiên cứu khả thi tuyến Phước Tân - Vũng Tàu và quy hoạch tuyến mới Dĩ An - Phước Tân.

Tuyến đường dự án sẽ kết nối khu vực đất liền từ các cảng chính vận chuyển hàng hóa container Thị Vải và cảng Cái Mép tại TP. HCM; kết nối với tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh theo quy hoạch và ga Dĩ An (Bình Dương).

Về phương án đầu tư, ông Kim Hyun Jeong đề xuất đầu tư theo mô hình PPP, trong đó tách riêng phần vốn ODA và phần khu vực đầu tư tư nhân; sau đó giao toàn bộ công việc khai thác cho khu vực tư nhân thực hiện

Theo nghiên cứu của Tư vấn, dự án đi qua địa bàn 03 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoạn chính tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài 95,42km gồm 12 ga, vận tốc thiết kế 160km/h, khổ đường ray là 1.435mm.

Quá trình thực hiện dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ Dĩ An - Tân Mai - Thị Vải dài 62,42km; giai đoạn 2 từ Thị Vải - Vũng Tàu dài 33km.

11 du an thanh phan cua cao toc bac nam phia dong gio ra sao Bộ trưởng Bộ GTVT hứa thông tuyến cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận vào năm 2020

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hứa thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020.

11 du an thanh phan cua cao toc bac nam phia dong gio ra sao Sau 10 năm, ai 'cứu' BOT Trung Lương - Mỹ Thuận?

Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi áp lực giao thông lên các ...

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.