Những khó khăn cản tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam

Trong số các dự án quan trọng quốc gia, tiến độ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ. Bởi, đây là những công trình ảnh hưởng đến giao thông của cả nước và có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Đến nay, mặc dù việc triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là các dự án thành phần giai đoạn 2 (2021-2025) vừa được triển khai từ đầu năm 2023; trong đó, những khó khăn được nhận diện là nguồn đất đắp và vật liệu cát cần sớm giải quyết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), hiện 6/ 11 dự án thành phần đã đi vào khai thác gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ- La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm. 

Ngay trong dịp 2/9 tới, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu khánh thành và đưa vào khai thác 2 dự án thành thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 1 là đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu. Trong tháng 12 sẽ đưa thêm vào khai thác cầu Mỹ Thuận 2. Hai dự án được đầu tư theo hình thức đối  tác công tư (PPP) còn lại sẽ hoàn thành năm 2024 là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận đánh giá, 2 dự án thành phần quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu đang được nhà thầu gấp rút hoàn thành để đưa vào khai thác đầu tháng 9 tới cho thấy, những nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư và các nhà thầu khi vượt qua bất lợi về thời tiết cũng như việc xử lý nền đất yếu tại các dự án này.

Trong khi đó, tiến độ thi công các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đang phải dựa nhiều vào sự quyết liệt tháo gỡ trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu xây dựng của các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến ngày 10/8, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đến nay đã bàn giao được 89% mặt bằng (tăng 2% so với tháng 7), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công là 80% (tăng 3% so với tháng trước); công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế đang tiếp tục triển khai nhưng còn chậm.

Đề cập đến nguồn vật liệu thi công, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 7 vừa qua mới xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác của 42/69 mỏ và khai thác 15/42 mỏ. Các mỏ chưa khai thác cũng như chưa xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất; một số mỏ có hiện tượng đầu cơ tích trữ nhằm nâng giá đất khu vực mỏ để trục lợi.

"Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cung cấp vật liệu cát đắp cho các tỉnh An Giang với 33, triệu m3, Đồng Tháp là 0,5 triệu m3 và Vĩnh Long với 5 triệu m3 đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nhưng việc triển khai của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Riêng Hà Tĩnh có 2 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng. Đến thời điểm này, tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt đến 98% vượt so với yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu. Tuy mặt bằng đã có nhưng để giải quyết nhu cầu trên 12 triệu m3 đất đắp cũng đang là thách thức chưa được giải quyết.

Tham gia trực tiếp với vai trò chủ đầu tư tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Cao Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết dự án đã bàn giao mặt bằng được 76/88km đạt 86,3%. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi bàn giao được 53,4/60,3km đạt 88,45%, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Đình) đã bàn giao 22,6/27,7km đạt 81,8%.

Tuy nhiên, ông Cao Việt Hùng cho hay, hiện các nhà thầu mới tiếp cận thi công được khoảng 68,5/88km đạt gần 78%; trong đó các vị trí còn lại chưa thi công được do chưa có đường tiếp cận thi công; đang di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; mặt bằng của 13 đoạn trên tuyến nhận được chưa liên tục dẫn đến gặp khó khăn trong việc tổ chức thi công.

Về tiến độ triển khai trên công trường, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 thông tin, hiện nay, các nhà thầu tại dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đã chia 37 mũi thi công với 712 máy móc, thiết bị cùng 481 kỹ sư, gần 1.400 công nhân để tăng tốc thi công nhưng trên tuyến vẫn còn nhiều điểm chưa có đường công vụ tiếp cận, mặt bằng "xôi đỗ", chậm cấp phép mỏ vật liệu đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung, dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Trên cơ sở đó, Ban quản lý dự án 2 kiến nghị giải quyết vướng mắc về mặt bằng đã được bàn giao nhưng chưa tiếp cận thi công và sớm bàn giao mặt bằng các đoạn còn lại để nhà thầu có thể triển khai đồng bộ; địa phương xem xét đẩy nhanh thủ tục giải ngân giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác đối các mỏ đất, cát đã được cấp phép thăm dò; đối với các mỏ đã có trong quy hoạch, nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án sớm hoàn thành các thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác.

Để đưa các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cơ bản hoàn thành vào năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công tăng ca, tập trung thi công các hạng mục không phụ thuộc vào nguồn vật liệu đất đắp (cầu, hầm, công trình, các vị trí đào).

"Các nhà thầu đã triển khai thi công đến nay đã đạt 7.297/100.501 tỷ đồng (7,3% giá trị hợp đồng) tăng 2,3% so với tháng trước; giá trị giải ngân đạt 15.315 tỷ đồng đạt 52% kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, thời gian tới bắt đầu vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, phấn đấu hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III/2023. Ngoài ra, các địa phương rà soát kỹ lưỡng trình tự, thủ tục xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, không ban hành đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng bất hợp lý, không phù hợp với khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy định của pháp luật.

Các tỉnh, thành nơi có dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua thành lập các tổ công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, "ép giá", đầu cơ đất khu vực mỏ; hoàn thành thủ tục để khai thác 27 mỏ đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác trong tháng Tám và 27 mỏ còn lại trong tháng 9/2023.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm dự thảo báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; sớm tham mưu Chính phủ cho phép các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.