Bộ Giao thông Vận tải nêu nguyên nhân cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 chậm tiến độ

Các dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đang bị chậm tiến độ, nếu không có giải pháp sớm tháo gỡ vướng mắc và khó khăn, công trình này sẽ khó có thể về đích theo kế hoạch. Đây là những nội dung chính vừa được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến hết tháng 8/2023, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đã giải ngân được 36.104 tỷ đồng, đạt khoảng 65,6% kế hoạch; trong đó năm 2022 giải ngân được 9.266 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch; năm 2023 giải ngân được 26.838 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao được 652,8/721,2km, đạt khoảng 90,5%; hoàn thành 42/147 khu tái định cư, đạt khoảng 28,5%; đang triển khai di dời 77/143 vị trí đường dây 220-500kV và 562/1.531 vị trí đường dây 110kV và đường dây trung, hạ thế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, phần mặt bằng còn lại mặc dù không lớn, nhưng tập trung chủ yếu tại khu vực đất ở (vướng mắc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, chưa hoàn thành khu tái định cư) và các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (công tác di dời đường điện cao thế có kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị). Để triển khai giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, các cơ quan, đơn vị.

Nhìn nhận nguồn vật liệu cung cấp cho dự án cũng đang gặp khó khăn và vướng mắc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, các mỏ vật liệu chưa khai thác cũng như chưa xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác đối với các dự án đoạn Hà Tĩnh - Khánh Hòa chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh; một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

Đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có nhu cầu 9,1 triệu m3 cát đắp nền trong năm nay, tuy nhiên việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

"Thời gian đầu tiến độ thi công các dự án thành phần phụ thuộc vào nguồn vật liệu xây dựng cung ứng cho các dự án. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương phối hợp giải quyết để hoàn thành các thủ tục cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu trong năm 2023", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Sau 9 tháng khởi công, do khó khăn về thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung triển khai các hạng mục có giá trị cao và không phụ thuộc vào nguồn đắp như cầu, hầm, cống, các đoạn tuyến đào, đắp sử dụng vật liệu điều phối... tổ chức thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó. Đến nay, giá trị sản lượng hoàn thành đạt khoảng 8.162,2 tỷ đồng, đạt khoảng 9,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,39% so với kế hoạch, chủ yếu do nguyên nhân thiếu vật liệu đắp nền.

"Với các khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường sẽ được các bộ, ngành, địa phương phối hợp giải quyết trong năm 2023. Do vậy, đến năm 2024 các dự án sẽ có đủ điều kiện để triển khai thi công đồng loạt, đẩy nhanh, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành dự án",  Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác nguồn vật liệu xây dựng thông thường cấp cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh một số Luật liên quan (Luật Khoáng sản, Luật Đất đai) theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và được phép thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu phục vụ thi công công trình trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024 do hầu hết các dự án đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp nền khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất lúa đối với phần diện tích tăng thêm và nằm ngoài phạm vi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH ngày 11/7/2022 đáp ứng tiến độ triển khai dự án.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), tổng chiều dài khoảng 729km, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Dự án được chia thành 12 dự án vận hành độc lập, đầu tư theo hình thức đầu tư công, tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.