11 nông dân đi kiện lên tòa vì... lúa trổ bông không đều

Cho rằng ông chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp bán lúa giống kém chất lượng, 11 nông dân đã khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hai năm qua, vụ án vẫn chưa giải quyết xong khi bị đơn đang đề nghị hủy án.
 - Ảnh 1.

TAND cấp cao tại TP HCM cho biết đang xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Nguyễn Văn Vũ (ngụ xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh An Giang.

Kiện chủ cửa hàng vì bán giống kém chất lượng

Vụ việc bắt nguồn từ vụ hè thu năm 2017, khi 11 nông dân đến cửa hàng vật tư nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Vũ mua lúa giống OM 6976114 do Công ty TNHH một thành viên giống cây trồng Trương Nhất sản xuất, nhưng sau khi gieo sạ thì trổ bông không đều, dẫn đến sản lượng thấp. Người dân phải thêm chi phí để phun thuốc và bón phân, thời gian thu hoạch lúa bị kéo dài.

Do vậy, 11 nông dân đã làm đơn khiếu nại đến UBND xã Châu Phong. Chính quyền xã Châu Phong đã kết hợp với các cơ quan chuyên môn của thị xã Tân Châu và tỉnh An Giang khảo sát thực tế. 

Kết quả xác minh cho thấy giống lúa OM 6976114 của ông Vũ bán cho nông dân kém chất lượng. 

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang đã lập danh sách nông dân canh tác đất có trồng giống lúa này. Các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp đều thống nhất kết luận thiệt hại của nông dân là do họ mua giống lúa của ông Vũ. 

Đầu năm 2018, các hộ dân đã kiện ra tòa yêu cầu ông Vũ phải bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 117 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Vũ thừa nhận có mua giống lúa OM 6976114 của Công ty Trương Nhất và bán lại cho các hộ dân, nhưng do trục trặc kĩ thuật nên giống lúa trổ bông không đều và thời gian thu hoạch dài hơn các giống lúa khác. 

Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý bồi thường mà chỉ đồng ý hỗ trợ 30% thiệt hại theo báo cáo của UBND xã Châu Phong. 70% thiệt hại còn lại, ông Vũ đề nghị Công ty Trương Nhất phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, đại diện Công ty Trương Nhất chỉ đồng ý hỗ trợ người dân 40% thiệt hại, còn lại 60% công ty đề nghị ông Vũ phải chịu trách nhiệm. Công ty Trương Nhất đã nộp cho UBND xã Châu Phong 36,2 triệu đồng để hỗ trợ người dân.

Tháng 8/2018, khi xét xử sơ thẩm, TAND thị xã Tân Châu đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Vũ bồi thường cho 11 hộ dân tổng số hơn 58 triệu đồng.

Ngay sau đó, ông Lê Hùng Tuấn - đại diện các nguyên đơn - đã kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc ông Vũ bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại 117 triệu đồng. Bị đơn cũng kháng cáo cương quyết không đồng ý bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn.

Bên phân phối hay sản xuất giống phải chịu trách nhiệm?

Tại tòa phúc thẩm, các nông dân bất ngờ rút kháng cáo nhưng vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Trong khi đó, bị đơn cho rằng mình không có lỗi trong việc giống lúa kém chất lượng.

"Ông Vũ chỉ là bên trung gian phân phối lúa giống. Công ty Trương Nhất là bên sản xuất giống thì phải kiểm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Đằng này không ai kiểm định chất lượng sản phẩm. 

Công ty Trương Nhất là đơn vị sản xuất lúa giống thì phải có trách nhiệm bồi thường, chứ không thể buộc ông Vũ phải bồi thường" - luật sư của ông Nguyễn Văn Vũ trình bày tại tòa phúc thẩm.

Ý kiến này của luật sư đã không được hội đồng xét xử chấp nhận. Theo tòa, giữa nguyên đơn và ông Vũ đã có thỏa thuận mua bán lúa giống. Mặc dù thỏa thuận hai bên không lập thành văn bản nhưng được các bên thừa nhận là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. Khi mua bán, nguyên đơn và ông Vũ không thỏa thuận rõ ràng về chất lượng của giống lúa. 

Tòa phúc thẩm nhận định ông Vũ không phải là người sản xuất giống lúa OM 6976114, nhưng ông là người kinh doanh nên phải đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng lúa giống. Nếu lúa không đảm bảo chất lượng, ông Vũ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại điều 42 Pháp lệnh giống cây trồng số 15 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Ông Vũ là bên bán đã vi phạm nghĩa vụ giao lúa giống không đảm bảo chất lượng cho bên mua thì phải chịu trách nhiệm. Ông kháng cáo nói mình không có lỗi nhưng không chứng minh được nên tòa không chấp nhận. Lẽ ra ông Vũ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại nhưng nguyên đơn đã rút yêu cầu kháng cáo, xem như đồng ý nhận 58 triệu đồng như bản án sơ thẩm tuyên là có lợi cho ông Vũ" - TAND tỉnh An Giang nhận định.

Không đồng tình với bản án phúc thẩm, ông Vũ tiếp tục có đơn đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Hàng loạt bất cập của bản án phúc thẩm đã được ông chỉ ra. Theo ông Vũ, tại tòa ông đã đề nghị xem xét trách nhiệm bồi thường của Công ty Trương Nhất nhưng không được chấp thuận. 

Trước đó, tòa phúc thẩm cho rằng Công ty Trương Nhất tổ chức sản xuất lúa giống nhưng không đảm bảo chất lượng thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nguyên đơn và ông Vũ không yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của công ty trong vụ án, nên tòa án cấp sơ thẩm không xem xét trách nhiệm là đúng quy định của pháp luật.

Bài học cho nhiều phía

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP HCM), ông Vũ có giao dịch mua bán với nông dân nên tòa án xác định ông là bị đơn là đúng. Công ty Trương Nhất bán lúa giống không đảm bảo cho ông Vũ thì phải bồi thường cho ông.

Có thể ông Vũ đã có sơ sót về mặt thủ tục khi không yêu cầu công ty liên đới bồi thường ngay từ đầu.

Theo quy định của pháp luật, yêu cầu này phải được lập thành văn bản và gửi cho tòa án trước phiên họp công khai chứng cứ, trước khi nộp tiền tạm ứng án phí, còn nếu yêu cầu tại tòa sẽ không được chấp nhận.

Bản án đã xét xử xong, ông Vũ có quyền khởi kiện Công ty Trương Nhất, đòi bồi thường thiệt hại. Số tiền thiệt hại này không chỉ là tiền bồi thường cho người dân. Ông Vũ hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Trương Nhất bồi thường thiệt hại vì thu nhập thực tế bị mất do uy tín kinh doanh giảm sút.

Vụ kiện này cũng là bài học cho các đơn vị sản xuất giống, người bán giống và trách nhiệm của cơ quan nhà nước quản lý về giống.

Tiền bồi thường của công ty đi đâu?

Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Trương Nhất đã nộp cho UBND xã Châu Phong số tiền hơn 36 triệu đồng để hỗ trợ thiệt hại cho người dân. UBND xã có biên nhận đã nhận số tiền này, nhưng quá trình giải quyết vụ án tòa án lại không xem xét số tiền này đã được dùng vào việc gì.

Tại đơn đề nghị giám đốc thẩm, ông Vũ cho rằng tòa án các cấp không đưa số tiền này vào để khắc phục hậu quả của vụ án mà lại buộc ông phải bồi thường một mình là sai sót, gây thiệt thòi rất lớn cho ông.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.