142 game không phép bị gỡ khỏi kho ứng dụng Apple, Google tại Việt Nam

Ngày 16/7, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH & TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với 10 doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc trong việc cung cấp trò chơi điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT, qua quá trình rà soát thống kê, Cục phát hiện nhiều trò chơi được phát hành tại thị trường Việt Nam thông qua các kho ứng dụng như App Store và Google Play đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, nhiều game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng, nội dung bạo lực, dung tục, xuyên tạc lịch sử của Việt Nam... Một số game không có nội dung vi phạm nhưng lại hoạt động không phép.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Google, Apple và Facebook chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo đối với các game vi phạm. Từ năm 2017 đến nay, hai chợ ứng dụng App Store và Play Store đã rút tổng cộng 142 game không phép tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, ngày 4/7, Supercell, nhà phát triển nhiều game nổi tiếng như Clash of Clans, Hay Day, Clash Royale, tuyên bố gỡ toàn bộ game của hãng khỏi các kho ứng dụng Android lẫn iOS tại Việt Nam "do một số quy định về pháp lý". 

"Các trò chơi vẫn được phát hành bình thường ở các nước khác. Chúng tôi sẽ tìm giải pháp để đưa trò chơi trở lại trong tương lai, rất mong đây sẽ không phải là lời từ biệt đến Việt Nam", Supercell khẳng định.

142 game không phép bị gỡ khỏi kho ứng dụng Apple, Google tại Việt Nam - Ảnh 1.

Các game phát hành xuyên biên giới đang bị siết chặt sau một thời gian dài hoạt động không phép tại Việt Nam. (Ảnh: EnGadget).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi đồng thời với nhau thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (G1) phải được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản mới được phát hành.

 "Game cung cấp vào thị trường Việt Nam phải được cấp phép, không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, có phát sinh người chơi, doanh thu tại Việt Nam mà không xin phép", ông Lê Quang Tự Do nói.

Để xin cấp phép, doanh nghiệp nước ngoài có hai cách. Thứ nhất là hợp tác với doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Việt sẽ tiến hành thủ tục xin giấy phép theo quy định. Thứ hai là thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam, nhưng tỷ lệ góp vốn của công ty nước ngoài không quá 49%. Trong quá trình xin cấp phép, game phải được gỡ khỏi kho ứng dụng hoặc website tại Việt Nam và sau khi được phê duyệt mới được phát hành trở lại.

Ông Lê Quang Tự Do cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt không được hợp tác dưới dạng "bình phong, vỏ bọc", tức chỉ đóng vai trò trung gian thu tiền người chơi trong nước rồi chuyển cho đối tác nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện và xử lý một số doanh nghiệp đứng tên xin giấy phép nhưng thực chất chỉ là đại lý phát hành game cho doanh nghiệp nước ngoài.

Để tránh tình trạng trên, Bộ yêu cầu khi hợp tác, doanh nghiệp trong nước phải có hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu người chơi ở Việt Nam, tức phải cung cấp được thông tin về người chơi khi cơ quan chức năng yêu cầu. Game cũng phải được sửa đổi nội dung, hình ảnh, không giữ nguyên trạng như bản quốc tế. Chẳng hạn, trò PUBG dành cho Việt Nam đã được điều chỉnh để các nhân vật chảy máu xanh (thay vì máu đỏ) hay không còn tính năng chat voice...

Thời gian xét duyệt và cấp phép game diễn ra trong 20 ngày, nhưng thực tế có thể kéo dài hơn một tháng do hội đồng thẩm định thường xuyên phát hiện các sai phạm và yêu cầu chỉnh sửa. Hội đồng thẩm định gồm đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Đoàn Thanh niên. Năm 2018, đã có 175 game online được cấp phép phát hành tại Việt Nam, trong đó 95% game được sản xuất tại Trung Quốc, và tỷ lệ cấp phép tăng đều theo các năm.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.