17 tỷ đô đổ về Hà Nội

71 dự án đầu tư với số vốn 17 tỷ đô la Mỹ đã khiến Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua vượt lên đứng đầu cả nước tạm tính trong 6 tháng đầu năm 2018.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của thành phố Hà Nội, Thủ tướng lưu ý, Hà Nội cần sớm khắc phục những hạn chế, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng có hiệu quả đất đai…

17 ty do do ve ha noi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định đầu tư và chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp (Ảnh: TTXVN)

Thu hút đầu tư thêm 17 tỷ đô la Mỹ

Ngày 17/6, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ đô la Mỹ). Trong đó: có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu đô la Mỹ), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Với kết quả này, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua vượt lên đứng đầu cả nước tạm tính trong 6 tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội tích cực trong những năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2018. Thể hiện qua 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng, tương đương với hơn 17 tỷ USD được thành phố trao chứng nhận đầu tư.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao. Hà Nội đang dần khẳng định mình là thành phố đáng trải nghiệm, là trung tâm du lịch mới nổi của ASEAN. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%. Hà Nội đang hướng đến một nền hành chính phi giấy tờ.

“Và như có đồng chí đã nói, Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói: “Hà Nội không vội được đâu” và sẽ thành câu “Hà Nội, không vội không xong””. Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội.

Chỉ số tiếp cận đất đai thấp, nộp thuế còn phiền hà

Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mà “hôm nay tôi không đề cập đến thách thức chung như tăng trưởng dưới tiềm năng, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… mà tôi muốn đề cập đến những yếu tố trực diện của môi trường đầu tư để chúng ta thảo luận, tiếp tục phát triển thời gian đến”.

Theo đó, điểm yếu cần quan tâm là chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội mặc dù tăng 4 bậc so với năm trước nhưng vẫn thấp. Môi trường kinh doanh tốt nhiều khi thể hiện rất giản dị như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế phải thật dễ dàng, thuận lợi. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì nộp thuế tại Hà Nội còn phiền hà. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Hà Nội còn ở mức thấp.

Hà Nội cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới. Theo Thủ tướng, cần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

“Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần quy mô lớn, mở rộng ra thì chúng ta phải tính sử dụng quỹ đất đai hợp lý.”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất 5 định hướng phát triển cho Thủ đô. Cụ thể là: Phát triển tiềm năng và lợi thế về du lịch. Các chuỗi du lịch cộng với tiềm năng du lịch của Việt Nam thực sự là tiềm năng số một của Việt Nam; Trở thành nơi đột phá về cải cách thể chế và đổi mới sáng tạo của cả nước; Trở thành Trung tâm nghiên cứu; nơi đặt đại bản doanh cho các tập đoàn xuyên quốc gia và là một thành phố đáng sống; Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn cho một làn sóng đầu tư mới, được gọi là làn sóng đầu tư hướng Nam từ các nền kinh tế phương Bắc. Hiện nay nhiều tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đang đề ra chính sách hướng Nam mới, dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc và từ một số nền kinh tế khác sang Việt Nam.

Hỗ trợ toàn bộ chi phí thành lập doanh nghiệp

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong những năm qua, đặc biệt năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành sát sao kỹ lưỡng từng dự án để xem xét tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án dựa trên các cơ sở pháp luật quy định.

Lãnh đạo thành phố cho biết thêm, để đảm bảo cho mục tiêu phát triển, cũng như mục tiêu đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong thời gian tới chắc chắn phải kêu gọi nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài. Bởi hiện nay, các nguồn đầu tư công chỉ đáp ứng được từ 15 – 17%, còn lại cần kêu gọi các nguồn lực xã hội khác. Hà Nội cũng đang tập hợp những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư BT, BOT trên địa bàn, từ đó có đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách, quy trình thông thoáng, thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng đồng hành xây dựng cơ sở hạ tầng Thủ đô.

Đối với dự án cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch Hà Nội cho biết, các chung cư cũ đã được thành phố lập danh mục, đưa ra kêu gọi công khai vào Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Đến nay đã có 18 nhà đầu tư đăng ký lập dự án đối với 28 dự án cải tạo chung cư cũ. Thời điểm này đã hoàn thành được 17 đồ án quy hoạch kiến trúc, thiết kế để cải tạo chung cư cũ.

Để triển khai các dự án trên, còn rất nhiều thủ tục cần được tháo gỡ liên quan đến cơ chế đầu tư, công tác bồi thường các hộ dân, cũng như những thủ tục để xác định thời hạn phá dỡ các tòa nhà chung cư. “Theo quy định hiện hành thì chỉ các tòa nhà được đánh giá nguy hiểm cấp độ D thì mới có thể di dời, đây cũng là cái cản trở”, lãnh đạo thành phố nói.

Bên cạnh đó, nếu tuân thủ đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng thì không đảm bảo tài chính đối với nhà đầu tư. Để việc cải tạo chung cư cũ suôn sẻ thì cần phải có những chính sách mới của Chính phủ, Quốc hội thì mới có thể thực hiện được.

Ông Chung cho biết thêm, thời gian tới Hà Nội sẽ tổ chức những cuộc hội thảo để lắng nghe, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân tại các khu chung cư cũ. Trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, Quốc hội để đề xuất cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Lãnh đạo thành phố cho biết thêm, UBND thành phố đã đề xuất đưa ra Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố sẽ họp vào đầu tháng 7/2018 thông qua, để từ ngày 1/8/2018, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Khi thành lập, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng.

“Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần quy mô lớn, mở rộng ra thì chúng ta phải tính sử dụng quỹ đất đai hợp lý”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.