18 điểm đỗ ngành Y: Trở thành bác sĩ tốt chỉ có thể là kỳ tích?

Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, một học sinh đạt 18 điểm, sau này ra trường trở thành bác sĩ tốt chỉ có thể là kỳ tích trong đào tạo.

18 điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa

Báo Zing.vn đưa tin, ngày 13/8, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa và Dược học trong năm đầu tuyển sinh là 18. Một lần nữa, chất lượng đào tạo ngành học quan trọng này lại được đặt ra khi điểm trúng tuyển quá thấp.

Mức điểm chuẩn của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đánh giá khá thấp so với các trường đào tạo y dược trong cả nước. Thậm chí, nó thấp hơn cả mức nhận điểm xét hồ sơ mà nhà trường đã thông báo trước đó: Thí sinh nộp hồ sơ phải đạt trên 20 điểm.

Nếu so với điểm trúng tuyển Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, điểm đầu vào của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kém… 9 điểm. Năm nay, điểm trúng tuyển ngành này của ĐH Y Hà Nội là 27. Ngoài ra, thí sinh cần đảm bảo tiêu chí phụ là điểm môn Toán đạt 8,75 trở lên.

Trong khi đó, ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) lấy điểm chuẩn các ngành từ 22 đến 24,75, áp dụng tiêu chí phụ trong tính điểm môn Toán.

Ngành Y Đa khoa của Đại học Y khoa Vinh có điểm chuẩn cao nhất 23,5. Các khoa còn lại như Y học Dự phòng, điểm chuẩn là 21, Y tế Công cộng: 15 điểm, Cử nhân Điều dưỡng: 19 điểm.

Ngoài ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một số trường đại học dân lập khác cũng có điểm đầu vào ngành Dược học khá thấp: ĐH Lạc Hồng lấy 19 điểm; ĐH Đại Nam 15 điểm. Theo thông báo của ĐH Võ Trường Toản, điểm trúng tuyển vào ngành Y đa khoa là 20 điểm. ĐH Buôn Ma Thuột, điểm trúng tuyển vào ngành này cũng bắt đầu từ 20. Tương tự ĐH Duy Tân 20 điểm, ĐH Tân Tạo 19 điểm.

tin nhap 20160822081747
Theo ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội thời gian tới sẽ phải có kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề y. (Ảnh minh họa).

Đầu vào 18 điểm, đầu ra tốt chỉ có thể là... kỳ tích

Chia sẻ về chuyên môn, nhiều người cho rằng, việc đào tạo ngành Y một cách dễ dãi sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Trao đổi trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết: “Thí sinh 27 điểm sẽ có khả năng tiếp nhận kiến thức khác với thí sinh 20 điểm. Không thể có chuyện thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, nhận thức giống thí sinh đạt điểm 2 môn Toán”.

Cũng theo ông Hinh, ở các trường y ngoài công lập, có thể khẳng định chưa trường nào đủ điều kiện để đào tạo Y. “Không chỉ thiếu đội ngũ giáo viên, Y đa khoa còn liên quan đến rất nhiều vấn đề. Bệnh viện thực hành, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm. Nếu chỉ cần mấy bình thủy tinh xếp đó thì đơn giản” - ông Hinh cho biết.

Còn Thứ trưởng Lê Quang Cường thì cho hay về lý thuyết, các trường hoàn toàn có thể nhận hồ sơ từ mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Vì không có quy định nào về vấn đề này. Nhưng 18 điểm, 20 điểm tất nhiên sẽ khác 25, 27 điểm.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM nhận định, số điểm 18 là thấp so với điều kiện để đào tạo một cán bộ y tế tốt. Những học sinh đạt số điểm này chưa thể phù hợp để đào tạo.

Theo ông Dũng, số điểm tối thiểu để đào tạo ngành Y đa khoa phải là 23 trở lên. Theo kinh nghiệm của vị Phó hiệu trưởng, những sinh viên này mới có tố chất và kỷ luật học tập tốt.

"Các nghiên cứu cho thấy, sinh viên ngành Y Dược đòi hỏi có thành tích học tập tốt, với khối lượng và cường độ công việc khá cao, luôn phải cập nhật sự tiến bộ trong khoa học. Ít ra các em phải có thái độ và kết quả học tập tốt trong suốt thời gian học phổ thông. Nếu lấy điểm đầu vào quá thấp, sinh viên nhiều khả năng không đạt được năng lực cần thiết của bác sĩ và dược sĩ", ông Dũng nói.

Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, một học sinh đạt 18 điểm, sau này ra trường trở thành bác sĩ tốt chỉ có thể là kỳ tích trong đào tạo.

“Tuy nhiên, để có được kỳ tích đó, bản thân tôi hơi e dè, vì đây là điều rất khó”, PGS.TS Dũng chia sẻ.

Giải pháp cho bài toán chất lượng nhân lực ngành Y trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng phải thi chứng chỉ hành nghề. “Khi có chứng chỉ hành nghề thì mọi chuyện sẽ rõ ràng. Chắn chắn sẽ “lòi” ra một cơ số những người không làm được việc. Còn bây giờ cho các trường đào tạo, các trường chấm điểm, các trường cấp bằng thì sinh viên nào cũng đạt” - ông Cường khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, thi chứng chỉ hành nghề khác với thi trong các trường ĐH hiện nay, thi trong các trường ĐH hiện nay là thi kiến thức tại một thời điểm nhất định. Thi chứng chỉ hành nghề là thi năng lực hành nghề xem có hành nghề được không. Ví dụ: thi trong các trường ĐH, sinh viên bắt thăm vào câu hỏi mô tả các triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Nếu mô tả đúng đạt điểm cao. Nhưng chứng chỉ hành nghề thi khác, người ta đưa ra một trường hợp cụ thể, yêu cầu các bác sĩ phải chẩn đoán bệnh, đưa ra hướng dự kiến điều trị.

Ông Nguyễn Đức Hinh cũng cho biết thêm, vừa qua Hội đồng Y khoa quốc gia (gồm 18 trường ĐH Y, Dược công lập trên toàn quốc) đã họp và thống nhất mô hình 6 +3 và đã gửi văn bản lên tất cả các đơn vị liên quan. Trong đó, 6 năm gồm: 4 năm sẽ được cấp cử nhân y, 6 năm được cấp bác sĩ đa khoa, 7 năm sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. 9 năm sẽ được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa. “Chúng tôi đã có văn bản gửi lên tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan và đề nghị áp dụng từ 2019. Vì liên quan đến thang bảng lương” - ông Hinh cho hay.

Mặt khác, theo ông Hinh, thời gian tới sẽ phải có kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề y.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.