Dòng chia sẻ về nghề người mẫu của nhiếp ảnh gia Phạm Phúc Lợi được nhiều người đồng cảm và chia sẻ, đặc biệt là giới người mẫu. (Ảnh: Facebook nhân vật) |
"Những cô gái chân dài chúng ta bắt gặp họ nhảy nhót, say mèm trong bar, club,... cặp kè với mấy tay đại gia ra vào quán ăn sang chảnh trong đêm... Họ không phải là người mẫu.
Lại càng không phải là những cô gái mà tôi nói đến trong bài viết này!
Người mẫu là người mẫu, làm nghề bất chính thì không phải là nghề người mẫu, nên phân biệt rõ và có cái nhìn sâu sắc, đầy cảm thông với những cô gái, chàng trai mang bên mình khát khao và đam mê mãnh liệt từ phía ánh hào quang của đường runway hay ánh sáng đầy ma lực từ phía ống kính.
1. Định kiến và tình yêu
Dù xã hội ngày nay hiện đại đến đâu, thì cái nhìn định kiến "không tốt” về nghề người mẫu vẫn còn tồn tại. "Thằng người yêu diện lý do chia tay, gia đình của nhỏ bạn gái em ngại"… cũng vì 2 chữ "người mẫu". Nên đường tình duyên của người mẫu thì ôi thôi rồi, nó trắc trở hơn đường runway ngang dọc, nên tôn thờ "chủ nghĩa độc thân" trong lúc làm nghề là cách để nỗi buồn tình yêu của người mẫu nhẹ nhàng nhất.
2. Khổ luyện
Không phải ai cũng sẵn có chỉ số vàng “zero” - nên chuyện tăng cân, mặt mụn, chân củ lạc… là nỗi ám ảnh. Người mẫu lúc nào cũng ăn uống, đi lại, tập luyện đúng lịch trình... không thể thoải mái kiểu thịt kho hột vịt, cơm tấm sườn bì mỡ ngẫu hứng lúc nửa đêm, chứ huống chi chuyện bia rượu, chè chén đêm khuya.
3. Một phút
Mặc dù cũng là “nghệ sĩ trình diễn" nhưng so với tất cả các nghề khác, người mẫu xuất hiện chỉ 1 phút nhưng phải mất thời gian gấp 500 lần ở phía sau sân khấu để dành cho 1 phút huy hoàng hay thảm họa trên runway.
4. Đối nghịch
Bên ngoài sân khấu lộng lẫy bao nhiêu, bên trong hậu trường thì bèo nhèo thấy thương, mệt thì tự tìm chỗ nằm ngồi, la liệt, khát tự uống, đói tự ăn… nhỡ mà có vơ - đét, ca sĩ nào diễn cùng chương trình thì người mẫu lẳng lặng tủi thân một góc mà ước mơ về cuộc đời cao hơn.
Dòng chia sẻ đã được nhiều người mẫu đồng tình hưởng ứng. |
5. Rủi ro
Nghề gặp nhiều rủi ro trên sân khấu. Té nhào đầu mà khán giả vẫn có thể ngồi cười rần rần, đi văng giày, rớt dép, lộ hàng, dẫm váy là chuyện cơm bữa… đa số người mẫu đều bị phê phán về trình độ và kỹ năng sau những sự cố hơn là được thông cảm. Chưa kể những rủi ro của cuộc đời là những lạm dụng, lợi dụng... mà người mẫu thường gặp phải trong công việc.
6. Vỗ tay
Cũng là trình diễn nhưng chẳng mấy khi người mẫu nhận được tràng vỗ tay từ khán giả, ngoài những cái hú hét kêu gào dành cho NTK màn cuối. Xét thấy cũng tủi, ca sĩ, diễn viên mà ra diễn, hát hò lỡ có dở thì cũng còn có cơ hội mở miệng xin tràng pháo tay an ủi… Trong khi đó người mẫu mà xuất hiện catwalk được bà con vỗ tay rần rần chỉ có hàng Vedette… còn lại mẫu nào walk mà được khán giả tán thưởng trên đường runway ra mặt thì y như rằng sau show đó lòng vui như mở hội, vui hơn nhận được catse gấp đôi, gấp ba lần...
7. Cạnh tranh
Người mẫu luôn sống yêu thương giúp đỡ nhau, nhưng cũng dễ ghét và giận hờn nhau nhất, thường tự ái, buồn lòng, cãi vã, cạch mặt cũng vì chuyện hơn thua nhau,…cạnh tranh ngầm, mà môi trường công việc của người mẫu thì dễ làm mọi thứ trở nên rắc rối. Nên với quan niệm "an toàn" thà không chơi với ai để mang họa, thế là trong các buổi làm việc mạnh ai ôm điện thoại, thay vì nhìn nhau, chan hòa yêu thương... Cơ bản nghề người mẫu là cô đơn về tình bạn mặc dù tay bắt mặt mừng, selfie từa lưa trên facebook trong mỗi show diễn… nhưng khi cần trút bầu tâm sự thì tì mỏi con mắt vì không sợ này cũng sợ kia.
8. Cát xê thấp
Xét về nghề biểu diễn thì trung bình cát-xê của người mẫu chỉ hơn "vũ công" nếu không nói là bèo bọt. Người mẫu phải tiết kiệm lắm, dành dụm lắm mới đủ sống xa gia đình. Còn mấy đứa giàu có thì luôn bị nghi ngờ ☹
9. Quỵt cát xê
Nghề có nguy cơ dễ bị quỵt cát-xê, trả chậm, trả muộn nhất... vì nhiều lý do mà người mẫu không thể lên tiếng như sợ mất mối quan hệ, sợ không kêu show, sợ bị dìm, sợ không xuất hiện báo chí… im lặng ngậm đắng nuốt cay…
10. Không thứ hạng
Thứ hạng, thang bậc luôn bị thay đổi như chơi bấp bênh vì mọi quyết định nằm ở Ekip, Nhà thiết kế khi trình diễn cho mỗi show khác nhau. Chứ chưa hẳn phụ thuộc ở tên tuổi hay sự nổi tiếng của mẫu. Chưa kể những trường hợp bị hủy show, giựt show... chẳng buồn để lại một lý do trong ngơ ngác.
11.Mặc đồ không thích
Thường xuyên không được mặc những thứ mình thích nhưng phải diễn làm sao cho người xem phải thật sự thích nó.
12. "Làm xấu"
Mọi ý kiến của người mẫu về make up, trang điểm sẽ là “zero” với concept . Nên đừng tưởng nghề mẫu lúc nào cũng gắn liền với “làm đẹp” không nói là họ thường xuyên bị làm “xấu”. Nên người mẫu càng highfashion càng nhận nhiều lời chỉ trích vô tội vạ của mấy kẻ thích "gái teen xinh" nào là ăn mặc dị, ốm quá, xấu quá, trang điểm giống quỷ... Người mẫu chỉ biết cười.
13.Tổn hại da, tóc
Tác hại của mỹ phẩm lên da, tóc… không ai chịu trách nhiệm ngoài bản thân người mẫu, nhưng niềm hân hoan lúc nào cũng dậy lên trong lòng ở những giây phút được bôi lên người những thứ đó trước mỗi giờ trình diễn.
Nhiếp ảnh gia Phạm Phúc Lợi - chủ nhân của status gây bão |
14. Giày cao gót
Bàn chân đôi khi trở nên dị dạng vì những đôi giày cao gót, đằng sau những bước catwalk thần thánh không chỉ có những giọt mồ hôi mà còn đổ cả máu, da thịt và nước mắt của người mẫu.
15. Chảnh
Bị cho là chảnh, với nét mặt lúc nào cũng lạnh, không phải ai cũng hiểu người mẫu khác với hoa hậu.
16. Tuổi nghề ngắn
Nghề thì cực kỳ khắc nghiệt, nhưng "tuổi thọ" của nghề thì quá ngắn, không nói là ngắn nhất trong nghề biểu diễn. Mơ ước về show diễn "người mẫu quý bà" hay "người mẫu bô lão" có vẻ xa vời, vì những show Hoa hậu quý bà còn èo uột huống chi người mẫu.
17. Danh hiệu và thăng trầm
Nghề mà ở giây phút huy hoàng con người ta dễ dàng lên mặt, sẵn sàng chặt chém những đứa cùng thời cùng lứa, cùng đồng cam cộng khổ với mình… Sẵn sàng xem chưa từng quen biết. Nhưng khi ở vị trí thấp người mẫu trong rất đáng thương, nên khát khao đổi đời bằng những đột phá trong nghề, luôn nằm ấp ủ đầy hy vọng trong mỗi chàng trai cô gái mong muốn tìm cho mình một danh hiệu để được tôn trọng.
18. Tham vọng
Ranh giới giữa tham vọng và khát vọng của nghề cực kỳ mong manh và luôn không ngừng thử thách người mẫu.
19. Não ngắn???
Trong mắt của kẻ ngoại đạo, đa số người mẫu luôn bị cho là "chân dài não ngắn", dù có học giỏi hay thông minh đến đâu.
20. Đánh đồng
Nghề người mẫu luôn bị đánh đồng, người ta ít khi chịu định nghĩa sâu sắc về nghề người mẫu và công việc mẫu: đứa PG cũng có thể gọi là người mẫu, nhỏ chân ngắn mập lù chụp mấy bộ ảnh khoe ngực chà bá cũng gọi là người mẫu, đứa hotgirl xinh đẹp nào đó chụp hình tự sướng tung facebook, trai bu vô rần rần cũng tự xưng "em là người mẫu", bà hàng xóm thấy đứa con gái cao ráo chét phấn bôi son đi ra đi vô ổng ẹo cũng nghĩ nhỏ đó là người mẫu … mặc nhiên Nghề người mẫu chưa bao giờ dễ có hơn bất cứ nghề nào khác trong lúc này, dù cái giá trị thật của nghề là một quá trình khổ luyện ở những con người thật sự có tố chất.
Nên NỖI BUỒN LỚN NHẤT của những người mẫu thực thụ là họ bị lẫn vào trong những con người mượn danh người mẫu để làm những chuyện không phải là người mẫu !
TÔI TÔN TRỌNG NGƯỜI MẪU!