3 tháng, 40 lần máy bay 'đụng độ' chim, 5 vụ có dấu vết chim trong động cơ

Khi hạ độ cao để hạ cánh xuống Nội Bài, chiếc máy bay Airbus A321 bay từ Huế tới Hà Nội đã va chạm với chim ở độ cao hơn 1.800m - khi vận tốc máy bay đang khoảng 460km/h. Máy bay hạ cánh an toàn nhưng mũi máy bay bị móp.
3 tháng, 40 lần máy bay đụng độ chim, 5 vụ có dấu vết chim trong động cơ - Ảnh 1.

Xác chim xuyên vào ống lấy khí của máy bay A321 sau chuyến bay từ Phú Quốc về TP HCM. (Nguồn: ACV).

Thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - đơn vị đang quản lí, khai thác 21 sân bay của Việt Nam - cho thấy trong số 40 sự cố máy bay va chạm với chim nói trên có 11 sự cố được phân loại mức độ, 5 sự cố phát hiện có dấu vết của chim trong động cơ máy bay. 

Tuy nhiên, đa số các sự cố, vụ việc tổ lái không xác định được thời điểm máy bay va chạm với chim.  

Gần đây nhất, vào trưa ngày 13/9, máy bay Airbus A321 thực hiện xong chuyến bay từ Phú Quốc về TP HCM, lúc vào sân đỗ, thợ máy phát hiện có xác chim xuyên thẳng ống lấy khí (pitot) của máy bay.

Tuy nhiên, tổ bay không xác định được địa điểm và thời gian máy bay va chạm với chim. Trung tâm Khai thác khu bay Tân Sơn Nhất đã kiểm tra đường băng, đường lăn và bến đậu theo lộ trình chiếc A321 hạ cánh và lăn vào sân đỗ nhưng không phát hiện bất thường gì. 

Còn chiếc máy bay A321 phải kéo về xưởng sửa chữa để thay ống lấy khí bên phải máy bay và khai thác trở lại vào chiều cùng ngày.

Trước đó, tối 8/9, trong lúc hạ độ cao để hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chiếc máy bay Airbus A321 thực hiện chuyến bay từ Huế tới Hà Nội đã va chạm với chim ở độ cao hơn 1.800m, khi đó vận tốc máy bay đang đạt khoảng 460km/h.

Sau cú va chạm với chim trời, chiếc A321 vẫn hạ cánh an toàn nhưng phần mũi máy bay bị móp, một phần xác chim dính tại đây. Cú va chạm cũng làm radar thời tiết ở mũi máy bay cũng bị hư, máy bay phải tạm dừng khai thác để sửa chữa.

Ngày 29/8 chiếc Airbus A350 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay từ Busan (Hàn Quốc) về TP HCM cũng được xác định va chạm với chim. Khi kiểm tra kỹ thuật sau chuyến bay, thợ máy thấy bên ngoài vành động cơ số 1 có vết máu và có lông chim dính vào cánh quạt động cơ.

Còn vào đêm 16/8, khi kiểm tra máy bay sau khi thực hiện chuyến bay VJ 286 từ TP HCM đi Hải Phòng, thợ máy của Vietjet phát hiện 1 đèn cất cánh bị vỡ nghi do va vào chim.

Qua kiểm tra thấy phạm vi trong chiều dài 60 m trên mặt đường băng sân bay Cát Bi có nhiều mảnh vỡ thủy tinh nằm rải rác ở tim đường băng nhưng không có xác chim.

Theo các đơn vị quản lí sân bay, tình trạng chim va vào máy bay khá phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam, gây nhiều thiệt hại cho ngành hàng không. 

Hiện nay các sân bay Việt Nam vẫn đang duy trì các biện pháp xua đuổi, ngăn ngừa chim xuất hiện trong phạm vi sân bay như: đuổi chim, triệt tiêu nguồn thức ăn của chim, nạo vét mương nước và cắt cỏ khu vực đường băng, đường lăn, sân đỗ để hạn chế sự cư trú của chim.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.