Giá vé máy bay Vietjet, Bamboo Airways sẽ tăng gấp đôi nếu áp dụng cách niêm yết của Vietnam Airlines

Nếu niêm yết như Vietnam Airlines, giá vé hiển thị của Vietjet, Bamboo Airways sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá vé của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, về bản chất, số tiền khách hàng phải thanh toán cũng không thay đổi so với cách niêm yết như hiện nay.

Đầu tháng 9, Vietnam Airlines có văn bản gửi Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng không Việt Nam, đề nghị các cơ quan này yêu cầu các hãng bay thực hiện niêm yết giá vé như cách mà Vietnam Airlines đang áp dụng.

Theo Vietnam Airlines, cách niêm yết giá vé máy bay của các hãng khác dễ gây hiểu nhầm cho khách về mức chênh lệch không chính xác giữa các hãng. Hãng hàng không quốc gia cho rằng điều này làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Các hãng bay đang niêm yết giá vé thế nào?

Theo ghi nhận tại website chính thức của các hãng hàng không trong nước, hiện các hãng này đang áp dụng 2 cách niêm yết giá vé máy bay khác nhau.

ve-vietnam-airlines-1567649233365623276178

Vietnam Airlines niêm yết giá vé gộp (gross fare), đã bao gồm giá vé, thuế, phí. (Ảnh chụp màn hình).

Vietnam Airlines chọn cách niêm yết giá vé gộp dạng "combo" đã bao gồm thuế, phí.

Theo đó, sau khi truy cập website chính thức của hãng, chọn hành trình và ngày đi là khách hàng nhận được thông tin giá vé đầy đủ. Số tiền giá vé hiển thị đầu tiên cũng chính là số tiền khách hàng phải thanh toán nếu như chọn hãng bay này để di chuyển.

Đồng thời, giá vé của Vietnam Airlines cũng bao gồm suất ăn trên máy bay và hành lí xách tay 12 kg với hạng phổ thông. Vì vậy, khách hàng sẽ không biết chính xác giá từng loại dịch vụ đi kèm này là bao nhiêu. 

Cách niêm yết giá vé của Vietnam Airlines là niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí… 

Nói một cách đơn giản, khách hàng chỉ cần thanh toán đúng với số tiền giá vé hiển thị ban đầu được niêm yết là được Vietnam Airlines phục vụ đầy đủ các dịch vụ.

Trong khi đó, các hãng bay còn lại là Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific - hãng bay do Vietnam Airlines nắm gần 70% vốn điều lệ, đều chọn cách niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-14 lúc 00

Vietjet, Bamboo Airways, Jetstar Pacific niêm yết (net fare), niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh chụp màn hình).

Cụ thể, khi đặt vé trực tuyến tại website của các hãng bay này, mức giá  hành trình ban đầu khách hàng nhìn thấy là "giá vé", sau khi chọn thời gian bay thích hợp, giá vé thực sẽ "xuất hiện" sau khi cộng thêm "phí" và "thuế". 

Tại giao diện đặt vé, khách hàng sẽ biết được cụ thể giá của từng loại thuế, phí trước khi quyết định thanh toán. 

Đồng thời, giá vé của Vietjet Air cũng chưa bao gồm suất ăn trên máy bay, và hành lí xách tay chỉ 7 kg, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng thêm các dịch vụ này sẽ trả thêm một số khoản phí tương ứng. Mức giá của các dịch vụ này cũng được niêm yết cụ thể cho khách hàng lựa chọn.

Giá vé Vietjet, Bamboo, Jetstar ra sao nếu niêm yết như Vietnam Airlines?

Với cách niêm yết chỉ hiện thị "giá vé" ban đầu, chưa gồm thuế, phí, dĩ nhiên khách hàng sẽ nhìn thấy giá vé Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific thấp hơn nhiều so với Vietnam Airlines. 

IMG_7422

Nếu niêm yết như Vietnam Airlines, giá vé hiển thị của Vietjet, Bamboo Airways sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá vé của Vietnam Airlines. (Ảnh: Phúc Minh).

Nếu như các hãng bay cùng phải thực hiện niêm yết giá vé dạng gộp (gross fare) đã bao gồm cả thuế, phí… như Vietnam Airlines đề nghị, thì giá vé sẽ tăng gần gấp đôi, rút ngắn khoảng cách với Vietnam Airlines. 

Tuy nhiên, về bản chất, số tiền khách hàng phải thanh toán cũng không thay đổi so với cách niêm yết cũ (net fare).

Khảo sát nhanh giá vé hạng phổ thông chặng TP HCM - Hà Nội ngày 1/10/2019 của các hãng bay cho thấy, nếu như hiển thị ngay từ ban đầu giá vé gộp (gross fare) thì mức giá chênh lệch giữa 2 cách hiển thị của 3 hãng Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar dao động từ 444.000-476.000 đồng.

Mức chênh lệch thấp nhất là Jetstar Pacific. Giá vé của hãng này là 490.000 đồng, tuy nhiên nếu niêm yết giá gộp thì số tiền khách "nhìn thấy" đã thay đổi từ 444.000 đồng lên thành 934.000 đồng/vé.

Tiếp đến là Vietjet. Giá vé niêm yết ban đầu của Vietjet là 599.000 đồng, nhưng nếu niêm yết giống Vietnam Airlines thì giá vé sẽ lên thành 1.053 đồng. Giá vé này được Vietjet niêm yết rõ ràng, chi tiết, gồm tiền vé 599.000 đồng, tiền phí 370.000 đồng và thuế 84.900 đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-14 lúc 22

Nếu niêm yết gross fare, giá chênh lệch giữa các hãng bay so với Vietnam Airlines được rút ngắn đáng kể. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Chênh lệch nhiều nhất là "tân binh" Bamboo Airways vừa cất cánh đầu năm nay của ông Trịnh Văn Quyết. Giá vé Bamboo đang niêm yết hiện nay là 699.000 đồng cho hạng phổ thông, tuy nhiên, nếu hiển thị theo cách của Vietnam Airlines thì phải lên đến 1.175.000 đồng, tương đương chênh lệch 476.000 đồng.

Trong khi đó, mức giá mà Vietnam Airline niêm yết, cũng chính là số tiền khách trả, cho chặng bay này ở thời điểm trên là 1.499.000 đồng.

Như vậy, với cách niêm yết giá gộp, khoảng cách giá vé giữa Vietnam Airlines và các hãng bay này đã được rút ngắn. Ngược lại, nếu các hãng tiếp tục niêm yết giá vé như hiện nay thì chênh lệch sẽ rất lớn, nhất là khi các chương trình khuyến mãi giá sốc 0 đồng của Vietjet Air hay 99.000 đồng của Bamboo Airways.

"Đấu khẩu" cách niêm yết giá vé máy bay

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá quy định giá niêm yết hàng hóa dịch vụ cần bao gồm đầy đủ các loại thuế phí và lệ phí nếu có.

Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí... hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.

image-60-1559276250519277407953-crop-15629139931171628964909

Vietnam Airlines và Vietjet Air đang "đấu" nhau về cách niêm yết giá vé máy bay hiện nay, người khơi mào cuộc chiến là Vietnam Airlines. (Ảnh: Thanh Niên).

Vì vậy, trong cuộc đấu khẩu về việc niêm yết giá vé, Vietnam Airlines và Vietjet đều đưa ra các luận điểm bảo vệ cách thực hiện của mình.

Vietnam Airlines khẳng định hãng đang thực hiện đúng quy định niêm yết giá vé đầy đủ, gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí. Các hãng khác chỉ mới niêm yết giá vé không bao gồm thuế, phí trên website. Vietnam Airlines cho rằng điều này ảnh hưởng tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

"Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng không có đủ căn cứ pháp lí để khẳng định phương thức nào là phù hợp pháp luật, và phương thức nào là trái luật", đại diện Vietjet lập luận và cho rằng cách niêm yết hiện nay của hãng đảm bảo tính công khai, minh bạch về giá vé, đồng thời tăng thêm cơ hội lựa chọn cho hành khách.

Theo Vietjet, cách niêm yết giá vé máy bay như Vietnam Airlines là không đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nguyên nhân là khách hàng không biết được cụ thể các yếu tố cấu thành nên giá vé, thậm chí họ phải trả luôn cho cả dịch vụ không sử dụng hết như định mức hành lí kí gửi 10 kg, chi phí suất ăn cố định trên máy bay…

Theo thông tin từ Cục Hàng không, đơn vị vừa có cuộc họp với Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) và đại diện các hãng về vấn đề niêm yết giá vé như đề nghị của Vietnam Airlines.

Cục Hàng không cho biết quan điểm của Cục là các hãng hàng không phải niêm yết giá đầy đủ, bao gồm cả các thành phần cấu thành nên giá.

Sắp tới, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng.

Đồng thời, đại diện Cục Hàng không cũng cho biết thêm hiện Cục chỉ quản lí việc kê khai giá, còn việc niêm yết giá như thế nào do Cục Quản lí giá quản lí.