Vietnam Airlines yêu cầu các hãng bay niêm yết giá vé giống mình, Vietjet ‘tố’ Vietnam Airlines niêm yết giá không minh bạch

Vietnam Airlines đề nghị các hãng bay khác phải niêm yết giá vé theo dạng “combo” như mình. Vietjet Air lên tiếng phản pháo lại, tố cách niêm yết giá vé của Vietnam Airlines là không công khai, minh bạch.

Vietjet Air đã có văn bản gửi Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng không Việt Nam, phản hồi về việc Vietnam Airlines đề nghị các cơ quan này yêu cầu các hãng bay thực hiện niêm yết giá vé đúng quy định.

image-60-1559276250519277407953-crop-15629139931171628964909

Vietnam Airlines cho rằng cách niêm yết giá vé của Vietjet và các hãng khác sẽ gây hiểu nhầm cho khách về mức giá chênh lệch giữa các hãng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Cụ thể, đầu tháng này, trong văn bản gửi cơ quan chức năng, Vietnam Airlines cho biết khách hàng chỉ cần truy cập website chính thức của hãng, chọn hành trình và ngày đi là nhận được thông tin giá vé đầy đủ, chỉ cần phải thanh toán khi mua vé.

Vietnam Airlines khẳng định hãng đang thực hiện đúng quy định niêm yết giá vé đầy đủ, gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí.

Tuy nhiên, các hãng hàng không khác chỉ mới niêm yết giá vé không bao gồm thuế, phí trên website. Khi lựa chọn các mức giá chi tiết, khách mới biết được giá cần phải thanh toán là bao gồm các loại thuế phí và lệ phí.

Theo Vietnam Airlines, việc niêm yết giá vé này dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng về mức giá chênh lệch không chính xác giữa các hãng, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của hãng bay.

Vì vậy, Vietnam Airlines đề nghị cơ quan chức năng phải có giải pháp, yêu cầu và đảm bảo các hãng thực hiện việc niêm yết giá đúng quy định.

Vietjet tố Vietnam Airlines mới là hãng niêm yết giá không minh bạch

Trước đề xuất của Vietnam Airlines, ngay lập tức, Phó tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thanh Sơn đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, phản hồi về việc niêm yết giá vé của hãng hiện nay.

Đặc biệt, trong văn bản này, ông Sơn cho rằng Vietjet không sai trong cách niêm yết giá vé, và khẳng định việc niêm yết giá vé gồm cả thuế, phí thành một mức giá gộp như Vietnam Airlines là không đảm bảo tính công khai, minh bạch.

ve-vietnam-airlines-1567649233365623276178-crop

Theo Vietjet, cách niêm yết giá vé gộp của Vietnam Airlines là không minh bạch. (Ảnh chụp màn hình).

Theo lãnh đạo Vietjet, Nghị định 177/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá, quy định giá niêm yết hàng hóa dịch vụ cần bao gồm đầy đủ các loại thuế phí và lệ phí nếu có.

Tuy nhiên, nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí... hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.

"Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng không có đủ căn cứ pháp lí để khẳng định phương thức nào là phù hợp pháp luật, và phương thức nào là trái luật", Vietjet khẳng định.

Đồng thời, hiện hãng bay của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chọn phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay (net fare). Phương thức này vừa không trái luật, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch về giá vé, đồng thời tăng thêm cơ hội lựa chọn cho hành khách.

Vietjet: "Khách hàng có quyền không trả tiền cho dịch vụ không cần thiết"

Vietjet cũng cho rằng hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không thì Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar Pacific - hãng bay do Vietnam Airlines nắm gần 70% vốn điều lệ - cùng chọn cách niêm yết giá vé này.

Trong khi đó, chỉ có Vietnam Airlines áp dụng niêm yết giá gộp mà không liệt kê chi tiết các yếu tố cấu thành.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-14 lúc 00

Cách niêm yết giá vé của Vietjet hiện nay, cho khách hàng biết giá vé, phí và các lệ phí khác. (Ảnh chụp màn hình).

Một lần nữa lãnh đạo Vietjet khẳng định cách niêm yết giá vé máy bay như Vietnam Airlines là không đảm bảo tính công khai, minh bạch. Vì khách hàng không biết được cụ thể các yếu tố cấu thành nên giá vé, thậm chí họ phải trả luôn cho cả dịch vụ không sử dụng hết như định mức hành lí kí gửi 10 kg, chi phí suất ăn cố định trên máy bay…

Theo Vietjet, khách hàng có quyền lựa chọn, chọn phạm vi dịch vụ và mức chi trả hợp lí với điều kiện thu nhập, như không mang theo nhiều hành lí và không có nhu cầu ăn trên máy bay sẽ tiết kiệm được một khoản.

Thực tế, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới hiện nay như Lufthansa của Đức, Virgin Australia Airlines của Australia, Virgin Atlantic của Anh… cũng đều niêm yết công khai từng yếu tố cấu thành giá vé máy bay như Vietjet, Bamboo Airways đang áp dụng.

"Vietnam Airlines kiến nghị các hãng hàng không khác phải áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp giống mình là điều không hợp lí, đồng thời thể hiện sự mâu thuẫn, khi chính Jetstar Pacific do Vietnam Airlines sở hữu chi phối cũng không áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp như công ty mẹ Vietnam Airlines", công văn của Vietjet cho biết.