30 năm ‘trang điểm’ miễn phí cho người chết

Dù mang trên mình bệnh tim mạch nhưng ông Anh vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy “cà tàng” trong màn đêm tĩnh mịch để đi “trang điểm” miễn phí cho người xấu số khi họ mới về thế giới bên kia.

Duyên nghiệp

30 nam trang diem mien phi cho nguoi chet
Ông Trần Ngọc Anh đang "trang điểm" cho một người xấu số vừa qua đời .

Suốt hơn 30 năm qua, hàng trăm người đã được ông Trần Ngọc Anh (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) chăm sóc chu đáo lúc nguy tử. Ông đến với họ để an ủi, chăm sóc, hướng dẫn giúp người bệnh có một cái nhìn đúng về sự sống và cái chết, biết quí giá những giây phút cuối đời như là ân huệ của ơn trên ban cho con người để từ đó họ có thể an lòng, thanh thản ra đi trong tình người ấm áp yêu thương và bình an.

Thuở nhỏ thay vì vui chơi hồn nhiên như chúng bạn cùng lứa, ông Trần Ngọc Anh lại thường tìm đến các gia đình có người mới qua đời để xem các cụ cao niên làm vệ sinh, khâm liệm cho người vừa nằm xuống. Năm 22 tuổi, trong một lần nằm viện do tai nạn giao thông, ông kết bạn và trở thành thân thuộc với một cụ ông 77 tuổi nằm giường kế bên.

Khi ra viện, trong một lần đến thăm bạn “già” cũng là lúc ông Trần Ngọc Anh nhận ra người bạn mới quen sẽ về cõi vĩnh hằng trong một thời gian rất ngắn. Vậy là, ông thường xuyên lui tới để trò chuyện, an ủi bạn mình. Rồi khi bạn nằm xuống, ông xin gia đình cho phép được chăm sóc bạn lần cuối. Đó là lần đầu trong đời ông Trần Ngọc Anh vuốt mắt, nắn tay chân, sửa sang thế nằm, tắm rửa, trang điểm cho người đã chết.

Với các thao tác xuất phát từ tấm chân tình và quan sát được, ông gần như một chuyên gia “làm đẹp” chuyên nghiệp. Khuôn mặt của ông cụ hồng hào tự nhiên, ngời sáng nhờ lớp phấn mỏng, mang phong thái thanh thản của một người đang say ngủ, áo quần được nâng sửa thẳng thớm, tươm tất...

Từ ngày đó, ông đến với “nghề” không kể ngày đêm, ban đầu chỉ quanh quẩn trong khu xóm, lâu dần, tiếng lành đồn xa ông được mời giúp ở những nơi xa hơn. Có người chết ở bệnh viện, người an nghỉ tại nhà riêng; có người trẻ, người già, người thân thể nguyên vẹn nhưng nhiều người lở loét, bốc mùi do nằm một chỗ lâu năm; số khác biến dạng vì tai nạn giao thông hoặc nhiễm căn bệnh thế kỷ hay những bệnh truyền nhiễm không ai dám tiếp xúc, nhưng ông xem tất cả đều bình thường và coi họ như người thân nên chẳng nhận của ai một chinh nào cho công việc này.

Để trang bị hành trang trên con đường “hành đạo” nhằm làm cho thân nhân người đã khuất vơi nhẹ nỗi đau mất mát và những thi thể bất động ấy như đang chủ động ra đi trong tư thế ung dung ông thường xuyên mày mò, tìm kiếm những kiến thức trong sách báo. “Người chết được đẹp thì người sống cũng ấm lòng. Hãy lấy niềm vui của người là hạnh phúc của ta”, ông Anh chia sẻ.

Ông còn trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều người bấn loạn lúc biết mình không qua khỏi. Mỗi ngày, ông lui tới chuyện trò, động viên họ, thân thiết như máu mủ ruột rà. Đôi lúc ông tự hỏi điều gì đã đưa mình đến với công việc này nhưng rồi trong sâu thẳm con người ông lại nghe réo rắt niềm vui và ánh sáng của hy vọng để tiếp tục dấn thân phục vụ vô vị lợi.

Riêng các bậc cao niên lại coi công việc của ông là duyên nghiệp, vì cơ duyên đã đưa ông đến với người đang hấp hối hoặc đã quá cố. Những gì ông đang làm gần như một nghề, nhưng không đòi hỏi được trả công nên gọi là nghiệp. Nhiều người có duyên nghiệp vớt người chết hoặc cứu người trên sông, biển vì tình người hoặc được trả công như các nhân viên trại hòm, công ty mai táng. Nhưng, thường xuyên tắm rửa, trang điểm cho người chết mà không hề nhận tiền công như ông Trần Ngọc Anh rõ ràng chỉ là một cái nghiệp rất đáng trân trọng và kính phục hơn.

Nặng tâm với nghề

30 nam trang diem mien phi cho nguoi chet
Ông Trần Ngọc Anh bên bộ đồ nghề chuyên dùng để "trang điểm" cho người mới qua đời

Một phần ba thế kỷ trôi qua, ông Trần Ngọc Anh không nhớ mình đã phục vụ cho bao nhiêu người, có gia đình đến 4, 5 người trực hệ; có gia đình hơn chục người họ hàng. Phần lớn ông giúp trong thành phố nhưng nhiều khi đi từ thiện hay có việc ra các tỉnh thành khác, thấy những người đau yếu, “gần đất xa trời”, ông dừng lại đỡ nâng rồi mới tiếp tục công việc. Nhiều trường hợp do xa xôi không kịp đến nơi, ông hướng dẫn người nhà qua điện thoại.

“Nhiều người bị gia đình bỏ rơi hoặc không người thân, số khác vì thương người thân nên cứ ngất lên ngất xuống và phần nhiều là họ không biết làm gì để lo cho thân nhân phút cuối đời. Tôi biết nên giúp và có lẽ tôi cũng được ơn nên không ghê sợ hay cảm thấy bất tiện gì với nhiều trường hợp bệnh nặng, lây nhiễm. Cũng có lúc tôi muốn buông xuôi nhưng rồi lại tự nhủ mỗi ngày không tập cho đi thì cả đời không biết cho là gì”, ông Anh tâm sự.

Nhiều đêm, công việc của ông cứ liên tục từ tối đến sáng, bên này chưa xong bên kia đã gọi giục. Có không ít năm, ông đón giao thừa khi còn đang ngồi trò chuyện cạnh người gần từ giã cõi đời. Không ít lần, ông làm việc với cái bụng trống không, mệt lả, nhưng vẫn vui vẻ đến lúc hoàn tất mới chịu ngưng tay. Ngoài giúp người chết “ổn” về phần xác, sau mỗi lần trang điểm, ông còn góp lời cầu nguyện cho họ. Không ít lần “quá tải” khiến ông đuối sức phải vào nằm viện nhưng ông chỉ xem đó như là quãng thời gian dưỡng sức, nghỉ ngơi. Trong thời gian điều trị, nếu gặp người sắp chết, ông lại đến bên an ủi và giúp họ tươm tất khi ra đi.

Lật giở từng trang trong những cuốn bưu ảnh dày cộm, ông kể về từng hoàn cảnh được ghi dấu kỹ càng. Ông nhớ rõ tên tuổi, địa chỉ cùng những ấn tượng để lại của từng người được ông chăm sóc. Giúp nhiều nhưng ông không nhận của ai tiền bạc hay quà cáp, ngược lại ông còn giúp gia đình nghèo lo ma chay chu tất.

Từ năm 1997 cho đến năm vừa rồi, gia đình ông còn là nơi cưu mang 20 sĩ tử từ tỉnh lên TP dự thi và ông còn là một đầu mối từ thiện giúp trẻ em và người dân vùng sâu vùng xa có quần áo, tập vở, thuốc men và nhu yếu phẩm.

“Dù rất thương mẹ nhưng khi bà sắp mất gia đình tôi cứ cuống hẳn lên chẳng biết làm gì. Rồi khi ông Trần Ngọc Anh đến mọi chuyện đã tốt đẹp. Mẹ chúng tôi thanh thản ra đi khi nghe ông an ủi và nhìn cách ông thay áo, trang điểm cho mẹ tôi cứ nghĩ ông mới là máu mủ chứ không phải chúng tôi. Công việc của ông thật đáng trân trọng”, thân nhân của người quá cố sống tại Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.