Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB).
Theo kết luận điều tra của cơ quan công an, bà Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo HĐQT, Hội đồng đầu tư bất động sản của Ngân hàng Đại Tín đầu tư vào 4 dự án của Công ty Phú Mỹ; Công ty CP địa ốc Lam Giang; Công ty TNHH Phú Mỹ (do bà Phấn làm chủ), chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỉ đồng.
Cụ thể, theo cơ quan công an, đó là các dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Garden II (tại xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An); hai dự án "The Star City" và "Go Go City" (tại huyện Nhà Bè, TP HCM); dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (huyện Dĩ An, Bình Dương).
Ảnh: Báo Bình Dương.
Theo kết luận điều tra, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Garden II có diện tích khoảng 195 ha. Tuy nhiên đến năm 2014, dự án này đã bị UBND tỉnh Long An ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt thực hiện dự án do liên doanh công ty Phú Mỹ và công ty Tamouth làm chủ đầu tư vì chậm tiến độ.
Trong dự án này, Ngân hàng Đại Tín đầu tư 570,9 tỉ đồng.
Còn "The Star City" và "Go Go City" là tên gọi của Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư Lam Giang và dự án Khu đầu tư xây dựng Khu nhà tái định cư Nhơn Đức - Lam Giang. Các hồ sơ của hai dự án này được lập từ năm 2009.
Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư Lam Giang có tổng vốn đầu tư 1.137 tỉ đồng và diện tích là 12,5 ha. Dự án Khu đầu tư xây dựng Khu nhà tái định cư Nhơn Đức - Lam Giang có tổng vốn đầu tư 897 tỉ đồng và diện tích là 8,9 ha.
Tại hai dự án này, Ngân hàng Đại Tín đầu tư tổng số 330,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2014, Sở Xây dựng TP HCM đã xác định Sở này không có các hồ sơ đề nghị công nhận chủ đầu tư các dự án của Công ty Lam Giang.
Và dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B do Công ty TNHH Phú Mỹ làm chủ đầu tư có báo cáo đầu tư được lập năm 2010. Đây là dự án có diện tích 164,12ha và tổng vốn đầu tư là 1.367,5 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Đại Tín góp 10% tổng vốn, tương ứng với 136,75 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn cùng nhiều người thân tại các công ty nâng khống giá trị 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỉ đồng.
Kết quả thẩm định giá cho thấy các bất động sản này chỉ có giá hơn 220 tỉ đồng. Hành vi của bà Phấn và đồng phạm khiến Ngân hàng Đại Tín thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng, và đến nay 4 bất động sản chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Theo cơ quan điều tra, ngoài việc đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản, bà Phấn còn rút tiền ngân hàng sử dụng mục đích riêng, gây thiệt hại thêm 900 tỉ đồng.
Ở giai đoạn một của vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Cụ thể, căn nhà này có diện tích đất là 622 m2, diện tích xây dựng là 270 m2, diện tích sử dụng là 309 m2.
Cụ thể, ngày 24/1/2008, bà Phấn mua căn nhà trên với giá 21.762,3 lượng vàng SJC. Đến ngày 14/10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 425 tỉ đồng).
Đại gia Hứa Thị Phấn và hình ảnh căn nhà ở số 5 Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh: VietnamFinance).
Ngày 7/2/2012, bà Phấn mua lại căn nhà này của với giá 450 tỉ đồng. Ngày 13/2/2012, bà Phấn bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỉ đồng .
Theo kết quả giám định giá trị thì căn nhà này chỉ có giá 155 tỉ đồng, hành vi nâng khống giá trên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là 1.105 tỉ đồng.
Cũng theo cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an, hành vi của nhóm bà Phấn khiến Ngân hàng Đại Tín( năm 2011 và 2012) bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại D (loại yếu kém). Từ đó ảnh hưởng một phần khiến VNCB (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín, do Phạm Công Danh mua lại) đổ vỡ, buộc Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng để gánh toàn bộ hậu quả.
Những sai phạm khác của bà Phấn và đồng phạm gây thiệt hại hơn 5.600 tỉ đồng được tách ra thành 3 vụ án.