40 tấn hồ sơ xe buýt bị cháy: Tài liệu không còn, quyết toán trợ giá ngàn tỉ ra sao?

Khoảng 4.000 thùng tài liệu nặng tổng cộng khoảng 40 tấn, trong đó có các hồ sơ về trợ giá nhiều năm qua chưa được quyết toán, đã bị cháy rụi. Cơ quan chức năng TP.HCM sẽ xử lý ra sao khi số tài liệu này không còn?
40 tấn hồ sơ xe buýt bị cháy: Tài liệu không còn, quyết toán trợ giá ngàn tỉ ra sao? - Ảnh 1.

Hiện trường kho tài liệu về xe buýt bị cháy - Ảnh: NGỌC KHẢI

Ngày 6-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT TP.HCM - cho biết Công an TP.HCM và cơ quan chức năng đang điều tra vụ cháy kho chứa hồ sơ tài liệu của đơn vị này tại địa chỉ A10/40 Mai Bá Hương, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Có gì trong 40 tấn tài liệu?

Theo cơ quan chức năng xác định, toàn bộ diện tích kho chứa giấy rộng khoảng 240m2 của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng bị cháy rụi. Trong đó, khoảng 4.000 thùng giấy, hồ sơ, tài liệu (trọng lượng 10kg/thùng, tương đương 40 tấn) và 200 tập vé xe buýt bị cháy.

Ông Trung xác nhận tại nhà kho nơi xảy ra vụ cháy có chứa các tài liệu trợ giá xe buýt nhiều năm trước, trong đó có giai đoạn 2011-2016. Đây là giai đoạn hàng ngàn tỉ đồng đã được ngân sách TP.HCM rót trợ giá cho xe buýt chưa được quyết toán. 

Tuy nhiên, theo ông Trung, hồ sơ giai đoạn này đã được đơn vị kiểm toán độc lập làm xong và đã có kết quả kiểm toán từ ngày 12-4. Trung tâm vẫn còn tài liệu tổng hợp lưu trữ tại văn phòng ở quận 1.

Theo ông Trung, hồ sơ bị cháy chủ yếu là lệnh vận chuyển (chứng từ quyết toán trợ giá - PV), những lệnh này các đơn vị vận tải vẫn còn giữ, khi cơ quan chức năng cần đối chiếu thì vẫn có căn cứ.

Sở từng đốc thúc trung tâm nộp hồ sơ quyết toán

Theo hồ sơ của Tuổi Trẻ, tiền trợ giá xe buýt từ năm 2011-2016 cho đến nay vẫn chưa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng quyết toán. Theo quy định, hằng năm phải quyết toán để cơ quan nhà nước xem xét việc sử dụng tiền trợ giá có hợp lý hay không. 

Năm 2018, Sở GTVT từng đốc thúc trung tâm khẩn trương nộp hồ sơ quyết toán hàng ngàn tỉ đồng tiền trợ giá xe buýt đã tồn đọng từ năm 2012-2016. Riêng hồ sơ quyết toán năm 2011, tại thời điểm đó Sở GTVT đã yêu cầu trung tâm phải giải trình rõ lại một số nội dung.

Việc chậm quyết toán trợ giá đã kéo theo toàn bộ kinh phí mà TP.HCM giao cho Sở GTVT nhiều năm qua chưa được lập báo cáo quyết toán.

Kiểm toán độc lập thôi chưa đủ

Theo một cán bộ Sở Tài chính, sau khi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuê đơn vị kiểm toán độc lập xong, hồ sơ quyết toán phải được gửi lên Sở GTVT thẩm tra, nếu chính xác phải ra thông báo phê duyệt quyết toán. Từ đó, Sở GTVT gửi hồ sơ qua Sở Tài chính (đơn vị thẩm định tiền trợ giá) thực hiện các bước quyết toán theo quy định. 

"Trung tâm phải trình ra hóa đơn chứng từ, hồ sơ đã thực hiện phân bổ tiền trợ giá với cơ quan nhà nước. Nếu các hồ sơ đủ và đúng quy định mới được xem xét quyết toán" - vị này nói.

Nhiều lãnh đạo đơn vị vận tải xe buýt cho biết hằng năm khi ngân sách rót tiền trợ giá, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT sẽ phân bổ tiền trợ giá cho từng tuyến, từng xe với các đơn vị vận tải xe buýt. 

Hồ sơ kiểm toán độc lập chỉ là bước đầu, còn quá trình quyết toán phải được cơ quan nhà nước xem xét. Dù đã quyết toán xong, hồ sơ cũng phải được lưu trữ nhiều năm và muốn tiêu hủy tài liệu phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

"Hầu hết tiền trợ giá đã được trung tâm trả cho đơn vị vận tải sau khi ký hợp đồng theo từng năm. Còn chuyện quyết toán với cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng ngân sách ra sao, trung tâm chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, năm 2015 trung tâm vẫn còn nợ chúng tôi hơn 1 tỉ đồng tiền trợ giá tới nay chưa trả. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại xem còn lưu giữ hồ sơ hay không" - một cán bộ thuộc Hợp tác xã vận tải xe buýt số 28 nói.

Sẽ rắc rối nếu không lưu trữ tài liệu đầy đủ

Khi đặt vấn đề về việc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nói sẽ xin lại các hồ sơ trợ giá, chứng từ để phục hồi hồ sơ trợ giá bị cháy, một số lãnh đạo đơn vị vận tải cho biết việc này sẽ không dễ thực hiện bởi nhiều hợp tác xã vận tải xe buýt đã giải tán rồi sáp nhập, không rõ quá trình chuyển đổi các đơn vị còn lưu trữ đầy đủ không.

Nếu các đơn vị vận tải không lưu trữ tài liệu đầy đủ thì sự việc sẽ rất rắc rối do các tài liệu như lệnh vận chuyển, số tiền quyết toán trợ giá với doanh nghiệp, sản lượng... là căn cứ khi cơ quan chức năng kiểm tra, đối chiếu việc sử dụng phân bổ tiền ngân sách trợ giá xe buýt hằng năm có đúng quy định không.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.