5 dự án rót hàng tỉ USD vào Việt Nam 9 tháng đầu năm

Các dự án tỉ đô đang "đổ bộ" vào nước ta ngày một nhiều, bất chấp những tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Đây được xem là tín hiệu lạc quan về làn sóng FDI đến Việt Nam.

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu 4 tỉ USD

5 dự án rót hàng tỉ USD vào Việt Nam 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng Bạc Liêu là dự án đầu tiên vào Việt Nam trong năm 2020. (Ảnh: Năng lượng sạch Việt Nam).

Theo báo Chính phủ, dự án Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW và tổng mức đầu tư 93.600 tỉ đồng (tương đương khoảng 4 tỉ USD), do Công ty Delta Offshore Energy, Singapore làm chủ đầu tư.

Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) với diện tích 40ha, tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu (diện tích 100ha), cách vị trí nhà máy điện 35km.

Việc thiết kế kĩ thuật sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020, cho phép bắt đầu triển khai dự án ngay trong năm 2021 để tổ máy đầu tiên của nhà máy điện sẽ vận hành phát điện thương mại vào năm 2024.

Tổ hợp hóa dầu miền Nam 5,1 tỉ USD

5 dự án rót hàng tỉ USD vào Việt Nam 9 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Kinhtechungkhoan).

Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chính thức tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD vào cuối tháng 4/2020, thông tin từ báo Đầu tư. Như vậy, dự án này hiện có vốn đầu tư gần 5,1 tỉ USD.

Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, hay còn gọi là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, được quyết định đầu tư vào năm 2008, nhưng sau đó đã liên tục được điều chỉnh, đổi chủ đầu tư.

Đến tháng 6/2018, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp SCG Thái Lan.

Cùng với việc tăng vốn đầu tư, Tập đoàn SCG cũng đã cam kết đưa Dự án vận hành vào cuối năm 2022.

Nhờ sự góp mặt của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thêm trong 4 tháng đã tăng 45,6% so với cùng kì, đạt trên 3,07 tỉ USD. 

Thương vụ tỉ đô của Pegatron tại Hải Phòng

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Tập đoàn Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận sẽ đầu tư một tỉ USD vào Việt Nam, và nơi họ lựa chọn chính là KCN Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng, báo Đầu tư thông tin hồi cuối tháng 9.

5 dự án rót hàng tỉ USD vào Việt Nam 9 tháng đầu năm - Ảnh 3.

(Ảnh: Pegatron).

Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến tạo việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỉ đồng/năm. Sản phẩm của dự án, bao gồm thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch), sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.

Theo kế hoạch, sau dự án thứ hai, Pegatron tiếp tục đầu tư dự án thứ ba vào năm 2025 - 2026, với qui mô 500 triệu USD. Đặc biệt, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam vào thời điểm phù hợp, dự kiến là cùng thời điểm triển khai Pegatron 3.

Pegatron có trụ sở chính tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Tập đoàn hiện đang là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn Technology (Đài Loan, Trung Quốc). Đáng chú ý, Pegatron hiện đang xử lí khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp của Apple.

Hai dự án Nhà máy điện khí LNG gần 7 tỉ USD tại Hải Phòng 

5 dự án rót hàng tỉ USD vào Việt Nam 9 tháng đầu năm - Ảnh 4.

Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Cát Hải, TP Hải Phòng.(Ảnh: haiphong.gov.vn)

Theo CTTĐT TP Hải Phòng, địa phương này vừa đồng ý chủ trương xây dựng dự án Tổ hợp Nhà máy điện khí LNG do Tập đoàn Exxon Mobil, Hoa Kỳ đề xuất đầu tư tại Tiên Lãng và Cát Hải với công suất lần lượt là 4.500 MW và 1.600 MW.

Mức đầu tư của dự án Nhà máy điện khí LNG tại Tiên Lãng khoảng 5,09 tỉ USD, sử dụng công nghệ tua bin khí hỗn hợp, chia làm hai giai đoạn. 

Còn dự án Nhà máy điện khí LNG tại đảo Cái Tráp có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,9 tỉ USD. Dự án này sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, chia làm hai giai đoạn.

Việc đầu tư xây dựng hai dự án góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Hải Phòng cũng như toàn miền Bắc, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn tới.

Tập đoàn Anh sẽ đầu tư 12 tỉ USD vào dự án điện gió ở Bình Thuận 

5 dự án rót hàng tỉ USD vào Việt Nam 9 tháng đầu năm - Ảnh 5.

Ảnh minh họa điện gió ngoài khơi. (Ảnh: offshore-windindustry).

Đây là dự án đầu tiên được đề xuất ở Việt Nam với qui mô và tổng mức đầu tư lớn, công nghệ mới hiện đại do Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) và Thứ trưởng Thương mại Vương quốc Anh xúc tiến đầu tư.

Ước tính Tập đoàn Enterprize Energy sẽ đầu tư 12 tỉ USD vòng đời dự án, 50% số vốn đó là đầu tư vào kinh tế Việt Nam. Nếu Chính phủ khuyến khích phát triển dự án này thì các nhà sản xuất turbine điện gió của tập đoàn sẽ đến Việt Nam đầu tư sản xuất thiết bị. 

Nếu qui hoạch, công trình dự kiến bắt đầu phát điện vào cuối năm 2025, đến năm 2028 phát điện toàn bộ dự án.

Trong giai đoạn đầu, tập đoàn sẽ huy động vốn đầu tư từ một số đối tác nước ngoài và Tập đoàn cũng sẵn sàng đầu tư đường truyền tải để kết nối với hệ thống điện quốc gia. Khi hoàn thành, dự án giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỉ USD, bằng 81,1% so với cùng kì năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 13,76 tỉ USD, bằng 96,8% so với cùng kì năm 2019.

Lũy kế đến ngày 20/9/2020, cả nước có 32.658 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 381,5 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 225,8 tỉ USD, bằng 59,1% tổng vốn đầu tư đăng kí còn hiệu lực.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.