Trong 6 tháng đầu năm, Tổng CTCP Phong Phú (Mã: PPH) ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 40% so với cùng kì về 1.084 tỉ đồng, tuy nhiên, nhờ ghi nhận giá vốn hàng bán giảm mạnh và giảm hàng tồn kho khiến tỉ suất lợi nhuận gộp tăng lên mức 11,1% từ 8,4% của cùng kì năm trước.
Cùng với việc cắt giảm chi phí quản lí doanh nghiệp, chi phí bán hàng và các khoản vay đã góp phần kéo lợi nhuận công ty tăng trưởng 26% so với cùng kì năm ngoái, tăng lên 172 tỉ đồng.
Tính riêng trong quí II, doanh thu công ty đạt 434 tỉ đồng, giảm 58% so với cùng kì; lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỉ đồng, tăng 28%; riêng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty đạt 81 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kì năm trước.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty giảm hơn 10% tính từ đầu kì về 4.078 tỉ đồng. Theo đó, các khoản phải thu và hàng tồn kho đều giảm đáng kể, tỉ lệ giảm lần lượt là 27% và 10% so với đầu kì.
Nợ vay ngắn hạn ngân hàng của Phong Phú giảm mạnh 40% tính từ đầu năm còn hơn 771 tỉ đồng, trong đó chiếm quá nửa là khoản vay từ Vietcombank (476 tỉ đồng). Mặt khác, nợ vay dài hạn không ghi nhận sự thay đổi đáng kể, đạt 1.022 tỉ đồng tính đến ngày 30/6.
Phong Phú là tên tuổi lớn trong ngành dệt may Việt Nam, song cũng tham gia đầu tư bất động sản với loạt dự án như Green Pearl 378 Minh Khai (Hà Nội) gần 3 ha, dự án KĐT Sinh thái Đồng Mai (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) rộng 226 ha.
Đáng chú ý là bộ đôi dự án hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) gồm Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B quy mô 3,7 ha và dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò có diện tích 94 ha.
Tuy nhiên, hai dự án này đã khiến Phong Phú chịu liên đới tới hàng loạt sai phạm liên quan đến công tác quản lí sử dụng đất tại của Sagri sau kì thanh tra năm 2019 của Thanh tra TP HCM.
Sau những lùm xùm liên quan đến Sagri trong năm 2019, Phong Phú đã rục rịch rút vốn khỏi Dệt may Đông Nam, chủ đầu tư dự án khu đất vàng hơn 5,7 ha tại 727 Âu Cơ, Quận Tân Phú, TP HCM. Cụ thể, tháng 6/2019, Phong Phú chào bán đấu giá trọn lô 1.509.256 cổ phần cùa Dệt may Đông Nam, giảm tỉ lệ sở hữu từ 60,99% về 35,99% vốn điều lệ.
Hiện nay, Tổng CTCP Phong Phú đang nắm giữ tỉ lệ vốn góp có quyền phủ quyết tại các đơn vị gồm May Đà Lạt, Phong Phú Deawon Thủ Đức, Xúc tiến thương mại và Đầu tư Phong Phú. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng là cổ đông lớn tại Coát Phong Phú, HUD Sài Gòn, Dệt may Nha Trang, Dệt may Đông Nam.