60% người Sài Gòn ra đường là uống cà phê

Cà phê và trà là hai lựa chọn phổ biến nhất của người dân ở TP HCM, mỗi thứ chiếm 1/4 tổng số dịp uống trong một tuần. Trong đó, cà phê được lựa chọn uống đến 60% tại nhà, 40% khi ra bên ngoài trong một tuần.
 - Ảnh 1.

Cà phê trở thành thức uống "đầu câu chuyện" phổ biến của người Sài Gòn. (Ảnh: QUANG ĐỊNH).

Khảo sát này vừa được Kantar Worldpanel, doanh nghiệp chuyên nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu, công bố tối 27/11 cho riêng thị trường Việt Nam.

Theo Kantar Worldpanel, tiêu dùng thức uống không cồn ngoài nhà (OOH) chiếm đến 60% tổng chi tiêu tại TP HCM, nơi dân số trẻ chiếm phần lớn có xu hướng ra ngoài thường xuyên hơn và sẵn sàng chi mạnh tay cho ăn uống bên ngoài.

Cà phê và trà là hai lựa chọn phổ biến nhất của người Sài Gòn, mỗi thứ chiếm 1/4 tổng số dịp uống trong một tuần. Cà phê trở thành thức uống được yêu thích khi ra khỏi nhà, với tỉ lệ lựa chọn 26% so với mức 25% khi chọn trà, dù chi tiêu cho tiêu dùng đối với trà các loại chiếm đến 87% so với 69% của cà phê khi tiêu dùng ngoài nhà.

Kantar Worldpanel cho rằng không quá ngạc nhiên khi cà phê luôn là lựa chọn hàng đầu khi tiêu dùng bên ngoài, đặc biệt là các hình thức pha sẵn. Cà phê các loại bao gồm cả sản phẩm đóng chai và phục vụ tại quán đang giữ tần suất tiêu thụ cao nhất trong số các loại thức uống không cồn, trung bình một người uống 3 lần một tháng.

Tuy nhiên, ngành hàng này chỉ mới tiếp cận được khoảng 60% người tiêu dùng ở Sài Gòn, trong khi trà là thức uống phổ biến thứ 2 với lượng người uống nhiều nhất, hơn 90% người Sài Gòn trung bình uống 2 lần mỗi quý bên ngoài.

Khảo sát cũng ghi nhận nước tăng lực là một trong những thị trường có nhiều sản phẩm mới và cạnh tranh cao trong những năm gần đây. 

Điều này góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng, khi mức tăng trưởng được ghi nhận 6-7% ở cả khu vực thành thị của bốn thành phố lớn và cả nông thôn cho tiêu dùng tại nhà, với tỉ lệ trung bình 34% người Sài Gòn uống nước tăng lực trong một tuần có độ tuổi dưới 35.

Đáng chú ý, nước tăng lực thường được "tiêu thụ" nhiều nhất ở trường học và nơi làm việc (44%) so với 36% ở cà phê vỉa hè/nhà hàng, hay 13% trên đường đi.

chọn